sanhdieu.com.vn

Haute couture – Xa xỉ hồi sinh

Trong nhiều năm trở lại đây, mô hình fast-fashion cùng sự phát triển mạnh mẽ của ready-to-wear đã khiến nhiều người nhận định về một sự chững lặng của haute couture. Nhưng cho đến thời điểm này, những tín hiệu báo thức cho một sự thay đổi của haute couture đang dần hình thành.

fs

Nghệ nhân nhà mốt Christian Dior hoàn tất chiếc váy Couture 2016

Sự xáo trộn trong thị trường tiền tệ, mối cân đo đầu tư của những tập đoàn tài chính hay chính sách thắt chặt chi tiêu của chính phủ trong nỗ lực kìm hãm thói quen tiêu xài xa hoa của người dân đã chỉ ra những dấu hiệu không mấy khả quan của nền kinh tế thế giới vài năm trở lại đây. Sự chuyển biến trong vòng xoáy kinh tế đã kéo theo sự liên đới trực tiếp đối với ngành công nghiệp xa xỉ trị giá hàng tỉ đô la. Một lần nữa, các tập đoàn chủ quản và nhà mốt lớn chịu tác động từ sự đi xuống của nền kinh tế chung dẫn đến mối lo doanh thu mặt hàng xa xỉ phẩm giờ đây bị kiểm soát nghiêm ngặt bởi lối tư duy thắt chặt hầu bao. Trong khi dòng hàng pret-a-porter (may sẵn) phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường cùng tâm lý e ngại của người tiêu dùng, mọi chuyện lại có phần đổi khác khi nhắc đến mặt hàng vốn được xem là chóp đỉnh của sự phóng túng và đắt đỏ của thời trang cao cấp, haute couture.

Theo báo cáo của tờ Thời báo Tài chính (The Financial Times), doanh thu bán hàng của thương hiệu đình đám Chanel đối với dòng sản phẩm haute couture đang có dấu hiệu tăng khả quan trong năm 2015; mức lợi nhuận của Christian Dior đối với haute couture là $2.1 tỉ, tăng 17.1% trong cùng năm vừa qua. Con số này đối với Armani Privé và Atelier Versace, theo thống kê của hãng, là từ 30% đến 50% mức tăng trưởng.

Ngu-i-m-u-trình-di-n-trong-BST-Couture-c-a-Rami-A-Ali

Người mẫu trình diễn trong BST Couture của Rami A Ali

Đánh giá về sự chuyển dời xu hướng couture trong vài năm trở lại đây, Seiga Carreira, giám đốc dự án Mode Et Luxe tại Đại học Paris’ Sciences-Po cho biết: “Haute Couture đang chạy ra ngoài vùng biên lịch sử để đến với châu Á, Nga và Trung Đông. Nếu trước đây, chúng ta thường nghe rằng không mấy ai còn mặn mà với dòng thời trang đỉnh cao này, thì giờ đây, theo hướng ngược lại, một lượng lớn khách hàng haute couture mới đang dần được hình thành”.

Trên thực tế, ngày càng nhiều khách hàng từ Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc hay các nước vùng Vịnh quan tâm đến cuộc chơi xa xỉ phẩm. Doanh thu bán lẻ của khu vực Trung Đông vào năm 2012 đưa ra một tin hiệu đáng mừng với mức tăng khả quan 41.7%. Trung Quốc, theo một số dự đoán, sẽ trở thành thị trường kinh doanh thời trang lớn thứ hai thế giới trong một vài năm tới.

Món lợi nhuận cộng sinh giữa haute couture và những dòng hàng tầm trung vốn được cho là bài toán mục tiêu của các thương hiệu nhằm tối đa hoá lợi nhuận thu về sau những khoản chi khổng lồ xuất ra trong hai mùa spring couture (tháng 1) và fall couture (tháng 7) hàng năm. Với đó, không khó để có thể xem haute couture như một thuật marketing kiểu mẫu với chi phí đầu tư đắt đỏ để đánh bóng thương hiệu và tìm cách hồi vốn thông qua việc bán những món trang sức và nước hoa phổ thông mà hầu như ai cũng có thể mua được. Và mặc dù gắn liền với kinh đô thời trang Paris ngay từ thuở khởi sinh, đặt dưới sự bảo hộ của Nghiệp đoàn may đo cao cấp (Chambre Syndicale de la Couture Parisienne), haute couture giờ đây luôn tìm kiếm những gương mặt mới nằm ngoài phạm vi địa lý với mục tiêu không ngoài việc bảo vệ tối đa lợi ích văn hoá và kinh tế cho dòng thời trang avant-garde (thời trang thể nghiệm).

Elie-Saab-Haute-Couture-FW-2015-16

Elie Saab Haute Couture FW 2015-16

Theo trang tin B.O.F, tuần lễ Haute Couture 2016 vừa qua chỉ có khoảng 38% nhà thiết kế Pháp đăng kí tham dự. Và mặc dù sân khấu trình diễn vẫn thuộc các ông lớn từ Pháp hay Ý, một số những cái tên mới được nhắc đến như Guo Pei (Trung Quốc), Rami Al Ali (Syria) hay Ulyana Sergeenko (Nga) đã cho thấy dấu hiệu của một làn sóng mới đa dạng dần được chú ý trong sân chơi couture. Dù chưa thể khẳng định chắc chắn, nhưng đối với nền thị trường couture đang lên như ở Trung Quốc, Ấn Độ hay vùng Trung Đông, việc xuất hiện các thiết kế mới mang đậm dấu ấn văn hoá khu vực, vốn là gốc phần nền tảng của sự sáng tạo nghệ thuật – bản nguyên của haute couture, có thể phần nào dự đoán cho sự tăng tiến của sức mua nhờ vào đặc tính tương đồng trong tư duy văn hoá khu vực.

Và ngành công nghiệp thời trang thế giới đang diễn ra theo cách mà Seiga Carreira nói: “Khi có được gương mặt mới, bạn càng có nhiều hơn cơ hội tích luỹ sáng tạo. Điều này là tốt cho tất cả mọi người. Đây không những cách để phản chiếu những gì đang diễn ra trên thế giới, mà còn là thử thách chính của Nghiệp đoàn – tiếp tục duy trì Paris là kinh đô của couture.”

Thanh Tùng

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on linkedin
LinkedIn

Bài viết liên quan

Zalo
0908.335.898