Một trong số những lỗi sai thường mắc phải khi viết CV xin việc làm đó chính là sử dụng các từ ngữ không cần thiết, thậm chí là thừa thải khiến cho CV của bạn trở nên tầm thường. Chúng không thể giúp CV trở nên ấn tượng và nổi bật giữa nhiều ứng viên vì nhà tuyển dụng thường sẽ không đánh giá cao những hồ sơ như vậy.
Dưới đây là top những từ ngữ cần xóa ngay trong CV, dù là viết CV trên Word hay sử dụng các công cụ tạo CV miễn phí như VietCV, hãy cùng tham khảo nhé.
Top các từ ngữ không nên có trong CV xin việc làm
“Biết sử dụng các công cụ Microsoft Word/ Excel/ PowerPoint”
Microsoft Word, Excel hay Powerpoint đều là những phần mềm quen thuộc, được sử dụng hầu hết trong tất cả các ngành nghề. Và biết sử dụng các công cụ này được xem là những yêu cầu cơ bản tối thiểu cần phải có đối với các ứng viên. Do đó, cụm từ nêu trên không được coi là một điểm mạnh hay kỹ năng nổi bật, trái lại nó còn khiến người đọc cảm thấy CV không phù hợp về mặt ý tưởng trình bày.
Đề cập đến điểm trung bình
Điểm trung bình trên thực tế chỉ quan trọng đối với những bạn sinh viên mới ra trường do nó phản ánh cụ thể quá trình học tập. Tuy nhiên, nếu bạn đã ra trường lâu và có kinh nghiệm làm việc kha khá thì nên cân nhắc điền số năm làm việc liên quan đến ngành nghề thì sẽ thuyết phục hơn (trừ trường hợp điểm trung bình và học lực của bạn cực kỳ xuất sắc).
“Sở hữu trình độ chuyên môn cao”
Đây là cụm từ được bắt gặp khá nhiều trong các CV xin việc làm và nhiều ứng viên nghĩ rằng điểm này sẽ giúp họ tăng sức cạnh tranh. Tuy nhiên, điều này không khiến nhà tuyển dụng hứng thú hơn với hồ sơ xin việc mà lại cảm thấy bạn đang “khua môi múa mép” và chỉ nói suông. Cụ thể hơn, bạn nên liệt kê cụ thể các kỹ năng hoặc thành tích cá nhân cũng như kinh nghiệm, khả năng hoàn thành công việc để gây ấn tượng thực sự với nhà tuyển dụng
“Tích cực tham gia các hoạt động ngoại khóa”
Đây được coi là một trong những từ ngữ không có ý nghĩa mà bạn nên xóa ngay trong CV xin việc làm vì không hẳn nhà tuyển dụng nào cũng quan tâm đến tiêu chí này, trừ khi nó là một hoạt động có liên quan trực tiếp đến vị trí ứng tuyển và thực sự có thể giúp mang đến lợi ích cho công việc tương lai. Nếu đã lựa chọn ghi thêm mục này, tốt nhất bạn nên ghi cụ thể ra thời gian – địa điểm và những gì bạn đã đạt được sau các hoạt động đó.
“Trung thực”
Thực sự là không có ứng viên nào lại bảo mình không trung thực trong CV cả, chính vì thế cụm từ này được coi là dư thừa đối nếu bạn đề cập trong hồ sơ xin việc. Bên cạnh đó, nó cũng không khiến cho nhà tuyển dụng ấn tượng với bạn hơn mà lại khiến họ cảm thấy bạn không có bất cứ điểm cộng nào hay thế mạnh nào để ghi vào CV. Thay vào đó, bạn nên đưa những cụm từ có khả năng đánh vào tâm lý như “giỏi lãnh đạo” và tiếp tục đưa ra ví dụ để dẫn chứng thì sẽ hấp dẫn hơn.
“Có tính sáng tạo”
Theo kinh nghiệm của nhiều nhà tuyển dụng thì cụm từ nêu trên là sáo rỗng nhưng lại có khá nhiều ứng viên ưa thích và thêm vào CV. Bạn nên xóa ngay đi cụm từ này nếu cảm thấy không thể đưa ra được bằng chứng nào thuyết phục hơn vì cái nhà tuyển dụng muốn nhìn thấy ở đây là bạn sáng tạo như thế nào, ứng dụng khả năng đó ra sao.
“Luôn phấn đấu đạt mục tiêu”
Đây là yếu tố cần và đủ để trở thành một nhân viên trong một doanh nghiệp hoặc công ty nào đó, vậy nên điều này là hoàn toàn không thuyết phục nếu bạn ghi cụm từ này vào trong hồ sơ xin việc. Tốt nhất thì bạn nên tránh cách viết qua loa này, chỉ nên đề cập cụ thể những việc đã làm để thể hiện bản thân bạn là người có trách nhiệm với công việc, luôn cố gắng hoàn thành mục tiêu đề ra.
“Giỏi giao tiếp”
Nếu sử dụng cụm từ này để miêu tả bản thân bạn là người có khả năng giao tiếp tốt thì chắc chắn sẽ không đủ khiến nhà tuyển dụng tin tưởng. Họ mong muốn được nghe nhiều hơn về cách bạn lắng nghe, kiểm soát tốt giọng nói, sử dụng ngôn ngữ cơ thể. Hoặc bạn có thể cho thấy kỹ năng giao tiếp, cụ thể là kỹ năng viết thông qua CV. Nếu CV được viết một cách chuyên nghiệp, thu hút thì tự nó là bằng chứng mạnh mẽ nhất cho khả năng giao tiếp tốt của bạn.
“Sở thích”
Sở thích cá nhân là những điều hầu như ít nhà tuyển dụng nào chú ý đến vì thế bạn nên xóa hẳn chúng trong CV xin việc làm. Hoặc trong trường hợp có đề cập thì nên nhắc đến sở thích một cách khôn khéo, tạo tính liên kết giữa sở thích với công việc ứng tuyển. Điều này sẽ khiến cho nhà tuyển dụng cảm thấy hứng thú hơn.
Thực hiện: Pha Lê