sanhdieu.com.vn

Dạy chồng từ thủa bơ vơ…

Ngày bước chân lên xe limousine (thuê) về nhà chồng, mẹ mình mắt đỏ hoe bịn rịn với theo “Con ơi, làm đàn bà thiệt thòi lắm. Ráng mà sống cho hạnh phúc nhé con!”. Mình cũng định cố rớm vài giọt nước mắt cho đúng kịch bản, nhưng nặn mãi không ra, đành tỉnh queo ôm quả kem rồi dựa vào vai chàng… tính kế.

Mình những từng tiếc nuối vì người ta chỉ có biết đến Binh pháp Tôn Tử mà chẳng có ai đủ khôn ngoan và lưu manh để viết lên cuốn Binh pháp dạy chồng. Đã vậy, các cụ còn hùa theo một cách mù quáng về những thứ lý thuyết rất chi bạo tàn với đàn bà, nào là đàn bà như hạt mưa sa, nào là phải tam tòng tứ đức… Mình không có thừa khôn ngoan, cũng không có đủ lưu manh để thay đổi lịch sử, nhưng mình quyết không trở thành nạn nhân của chế độ hôn nhân bạo tàn đó. Và việc đầu tiên mình cần làm để mà “ráng sống cho hạnh phúc” theo lời mẹ dặn, đó là phải biết dạy chồng từ thủa bơ vơ…

so-vo-2Dạy chồng từ thủa bơ vơ mới về…

Tất nhiên, mình chả dại đợi đến ngày động phòng hoa trúc rồi mới lên kế hoạch dạy chồng. Mình đã lên kế hoạch 5 năm lần thứ nhất vào thời điểm chàng dâng cho mình chiếc nhẫn platinum và đang ngập ngụa trong tình yêu mù quáng. Lúc ấy, chàng được phép mơ, nhưng mình phải tỉnh. Kế hoạch của mình rất dày đặc, nhưng có 3 gạch đầu dòng rõ ràng và cấp thiết nhất.

Một, phải làm thế nào để chiếc thẻ ATM trong túi chàng không cánh mà bay vào túi mình. Cái này dễ, không cần phải đầu tư quá nhiều công sức. Mình thẽ thọt: “Anh à, cần gì phải mua chiếc nhẫn bạch kim to đến thế, hoài của quá. Anh hoang phí vậy sau này em biết làm sao”. Chàng đang trong cơn “mộng mị” chẳng ngại ngần mà tỏ vẻ iêng hùng: “Thì thế anh mới cưới vợ. Em làm kế toán quản lý chi tiêu, thì anh muốn cũng có hoang phí được không đây”. Haha, thế là vào tròng. Gì chứ tiền bạc mà không phân minh thì ái tình cũng khó mà dứt khoát, tài chính mà không minh bạch thì hôn nhân khó có thể bền vững. Mình không dám chắc có nắm được tình hình tài chính của chàng trong lòng bàn tay hay không (nếu chàng có lòng lập quỹ đen quỹ đỏ thì mình cũng chả hẹp hòi gì, mình cũng thế nữa là), nhưng chí ít, nếu không được cầm chiếc chìa khóa két sắt trong nhà thì coi như thương vụ hôn nhân đổ bể.

Hai, phải làm thế nào để chàng coi việc nhà cũng là thiên chức thiêng liêng của người chồng. Điều này khó hơn một chút, vì đàn ông sĩ diện là tính trời, lười biếng là bản năng, nên chả ai thích mặc váy cả. Muốn thay đổi họ không thể trong ngày một ngày hai, mà phải bài bản, nhẹ nhàng, đôi khi quyết liệt, thỉnh thoảng khích lệ. Vì thế, mình chả dại gì đánh máy cả một bản hợp đồng hôn nhân dài dằng dặc để phân chia việc nhà, kiểu như em nấu cơm anh rửa bát, em giặt anh phơi, em quét nhà anh đổ rác…, sẽ rất dễ mếch lòng chàng. Mình sẽ đánh du kích kiểu “anh yêu, em nghiện món sườn xào chua ngọt của anh mất rồi, hôm nay lại đãi em nhé!”, “anh à, em nghĩ mà thương cho cô hàng xóm, đi làm cả ngày rồi mà về nhà lại quần quật bếp núc phục vụ ông chồng lười. Chồng không biết điều thế thì chả mấy mà bỏ nhau”, hay “anh yêu đi đổ rác hộ em được không, em đang mệt quá, tối em đền”… Mặc kệ người đời dị nghị mình “Thảo Mai”, nhưng “mật ngọt chết ruồi”, ông nào mà chả đổ xiêu đổ vẹo vì mấy câu nịnh hót của vợ cơ chứ. Chỉ cần xuất chiêu này thật sớm ngay khi chàng vừa chân ướt chân ráo làm chồng, chàng sẽ dần hình thành thói quen làm việc nhà, rồi biến thành thiên chức của chàng lúc nào không hay.

Ba, phải làm thế nào để chàng “khi yêu (mình) đừng quay đầu lại”, nghĩa là chàng sống trên đời chỉ biết có vợ mà thôi. Cái này cực khó, nhất là khi mình cũng chả phải “hót gơn hót ghiếc” gì, nên cần đầu tư rất nhiều thời gian, công sức, có khi phải đánh đổi cả mồ hôi, máu và nước mắt. Để làm được điều đó, mình phải chứng tỏ cho chàng thấy mình có đủ chung thủy để yêu chàng đến trọn đời, nhưng cũng có thừa cơ hội đổi đời nếu chàng trót dại léng phéng ngoài đường. Mình sẽ bắt đầu bằng việc đi làm đẹp, kế đến là nhờ ông “gút gờ” tư vấn cách quyến rũ chồng, sau đó mình sẽ thắt chặt quản lý chi tiêu để chàng không còn cơ hội “lấy tiền cho gái”, thi thoảng mình sẽ giả vờ ghen bóng ghen gió với cô hàng xóm vô tội… Nghĩa là, không nên đợi chàng đổ bệnh “gái gú” rồi mới cho uống kháng sinh, mà cần phải tiêm vaccin ngay khi chưa có mầm bệnh.

Bên cạnh ba gạch đầu dòng cơ bản kể trên, mình còn mở ngoặc đơn thêm nhiều chi tiết phụ trong bản kế hoạch dạy chồng, ví dụ như làm thế nào để chàng trở thành một ông bố tốt, làm thế nào để chàng có tình thân mến thân với nhà vợ, làm thế nào để chàng uống trà mỗi tối ở nhà chứ không phải là bù khú với đám bạn ngoài vỉa hè… Tất cả những kế hoạch này đều cần phải triển khai càng sớm càng tốt, bởi hầu hết các ông chồng mới cưới đều giống như một tờ giấy trắng chỉ chờ ta viết lên đó những gì ta muốn mà thôi.

Hôm nay, sau tuần trăng mật ngọt trở về, chàng có vẻ bớt mộng mị vì yêu đi chút ít, cũng là lúc mình gấp rút triển khai kế hoạch dạy chồng đã thảo sẵn, để còn sớm rểnh rang lên kế hoạch 5 năm lần thứ hai.

Bài: THỦY TIÊN

 

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on linkedin
LinkedIn

Bài viết liên quan

Zalo
0908.335.898