Sự phố biến của nhựa tái chế trong ngành công nghiệp thời trang đã và đang là xu hướng của thế giới. Mới đây, một buổi trình diễn thời trang độc đáo với chất liệu bền vững đã truyền cảm hứng cho giới trẻ trong việc kêu gọi ý thức bảo vệ môi trường.
Buổi trình diễn bộ sưu tập từ nhựa tái chế là một phần của chương trình kỷ niệm 70 năm của Khối thịnh vượng chung hiện đại – một mạng lưới toàn cầu gồm 53 quốc gia và gần 2,4 tỷ người.
Hiệp hội Hoàng Gia của Khối Thịnh Vượng Chung tại Singapore đã phối hợp cùng các sinh viên trường Thời trang và Thiết kế của Viện Phát triển Quản lý Singapore (MDIS) đã đưa những mẫu thời trang ứng dụng làm từ nhựa tái chế lên sân khấu. Phát biểu tại sự kiện, Ngài Scott Wightman đại diện Cao ủy Vương quốc Anh tại Singapore, cho rằng buổi biểu diễn này nhằm kết nối mọi người từ nhiều nguồn gốc khác nhau cùng chung tay cho những phong trào bền vững. Ông nói: “Chủ đề 2019 là “Khối thịnh vượng kết nối” đã kêu gọi cộng đồng cùng chung tay bảo vệ môi trường và thúc đẩy sự bền vững. Việc hợp tác của Hiệp hội Hoàng Gia của Khối Thịnh Vượng Chung tại Singapore và các sinh viên trường MDIS đã truyền tải được nhiều khía cạnh mà Khối Thịnh vượng chung đang hướng tới. Điều đó đã cho thấy rằng mỗi chúng ta có thể làm thế nào để trở thành một phần của sự bền vững và khuyến khích giới trẻ đẩy mạnh tư duy sáng tạo về vấn đề này”.
Ý tưởng của bộ sưu tập cũng được cân nhắc đến sắc thái văn hoá của khu vực. Các sinh viên được yêu cầu thiết kế và tạo ra những bộ trang phục theo trường phái thời trang khiêm tốn, kín đáo được gọi là “Modest Fashion”. Đây là những bộ quần áo che kín da trên toàn bộ cơ thể nhưng các nhà thiết kế đã phần nào đột phá hơn về kiểu dáng, chi tiết và chất liệu, phù hợp với thời đại của chúng ta nhưng vẫn đảm bảo tính ứng dụng và bền vững.
Mười hai sinh viên trong toàn khu vực đã tham gia thử thách với nhiều thiết kế ấn tượng lấy cảm hứng từ môi trường văn hoá gắn liền với cuộc sống hằng ngày của họ. Charis Tan, 24 tuổi, là sinh viên người Singapore, lấy ý tưởng từ nghệ thuật Ả Rập và các kiến trúc của các đền thờ Hồi giáo. “Những hoa văn hình học được lặp lại một cách phức tạp mang một thông điệp sâu sắc và chính điều đó đã thôi thúc tôi kết hợp các yếu tố này trong thiết kế của mình”, cô Tan nói.
Buổi trình diễn thời trang đã chiếm được tình cảm của ban giám khảo là những người đại diện nhiều nước khác nhau trong Khối thịnh vượng chung. Bà Anne Wightman, phu nhân của Ngài đại diện Cao ủy Vương quốc Anh tại Singapore và là một thành viên ban giám khảo, cho biết: “Các sinh viên đã nắm bắt rất tốt chủ đề và các yêu cầu để từ đó thể hiện sự sáng tạo và độc đáo cho các tác phẩm của họ. Hãy tưởng tượng được khoác lên mình những bộ thời trang đó tuyệt vời thế nào!”
Trong khi đó, bà Alda Ntezilizaza, phu nhân của Cao ủy Cộng hoà Rwanda tại Singapore, nói thêm rằng ban giám khảo rất ấn tượng với những thiết kế của các sinh viên. “Họ đã chứng tỏ thời trang khiêm tốn trông thật sự sành điệu. Chúng tôi thích sự phối hợp hài hoà từ vẻ ngoài táo bạo đến thứ gì đó bình lặng và cổ điển hơn”, bà cho biết.
Ngoài xu hướng hiện hữu, các thành viên ban giám khảo ấn tượng nhất là cách mà mỗi tác phẩm đã trở thành lời tuyên bố mạnh mẽ về thời trang bền vững thông qua việc sử dụng thông minh các nguồn vật liệu tái chế.