Để tạo bước đệm vững chắc trên con đường tìm kiếm việc làm, ứng viên thường cố gắng viết hồ sơ xin việc làm hoàn hảo. Nhiều người đã lựa chọn cách nói dối trong CV, như thổi phồng kinh nghiệm, kỹ năng, trình độ chuyên môn để tạo ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng.
Những lời nói dối đó mặc dù có vẻ vô hại, nhưng sẽ là con dao hai lưỡi khiến bạn không nhận được công việc. Dưới đây là những lời nói dối bạn cần tránh.
Nói dối trình độ học vấn và giả mạo bằng cấp
Đối với một vài vị trí, doanh nghiệp luôn có những yêu cầu bắt buộc liên quan đến bằng cấp hay trình độ học vấn. Vì nhận thấy bản thân không đáp ứng đủ điều kiện tuyển dụng, một số ứng viên sẽ lựa chọn nói dối hoặc thêm thắt những chi tiết này trong CV để có được cơ hội lọt vào vòng phỏng vấn.
Với những lời nói dối này, ứng viên có thể sẽ không được chọn hoặc nếu được tuyển thì cũng có nhiều khả năng bị sa thải sau đó nếu bị phát hiện. Vậy nên, thay vì bỏ thời gian để suy nghĩ ra những lời nói dối về trình độ học vấn để nâng cao giá trị của mình trong hồ sơ xin việc, hãy tìm cách phát triển chuyên môn bằng những khóa học bổ sung.
Cố gắng kéo dài thời gian làm việc trong quá khứ
Dù tìm việc tại Hà Nội, TPHCM hay bất cứ nơi đâu khác thì nhiều ứng viên cho rằng, kinh nghiệm làm việc dưới một năm sẽ khiến cho CV của họ không thật sự ấn tượng hoặc có thể bị nhà tuyển dụng đánh giá không tốt. Vậy nên, họ thường chọn cách kéo dài thời gian làm việc của mình tại công ty cũ.
Nhưng, lời nói dối này rất dễ dàng bị nhà tuyển dụng phát hiện chỉ với một cuộc điện thoại xác thực đến công ty cũ. Vậy nên, thay vì cố gắng kéo dài thời gian làm việc thực tế, ứng viên có thể đưa ra những lời giải thích hợp lý hơn cho khoảng trống thời gian đó trong thư xin việc như phát triển dự án cá nhân, học tập và rèn luyện bản thân… Thêm vào đó, ứng viên cũng nên nhấn mạnh mong muốn và cố gắng của mình trong việc tìm kiếm một vị trí phù hợp. Với tất cả điều này, nhà tuyển dụng sẽ cho ứng viên một điểm cộng nhờ vào tính trung thực.
Nói dối về chức vụ, kỹ năng và kinh nghiệm làm việc
Khi đưa ra quyết định thay đổi công việc, ứng viên thường có xu hướng tìm kiếm cho mình một vị trí cao hơn. Điều này thường là nguyên nhân cho việc họ lựa chọn nói dối khi viết hồ sơ xin việc làm về chức vụ đảm nhiệm của bản thân ở công ty cũ. Tuy nhiên, nhà tuyển dụng sẽ dễ dàng nhận ra điều này ngay trong vòng phỏng vấn chỉ với một vài câu hỏi liên quan đến trách nhiệm và vị trí trong quá khứ.
Ngoài ra, đối với một vài ứng viên là sinh viên mới ra trường hay các bạn trẻ, vì lo lắng rằng, CV của mình quá trống trải và không có những kỹ năng và kinh nghiệm nào nổi bật, lại lựa chọn lấp đầy nó bằng những đầu mục công việc, kinh nghiệm, kỹ năng đạt được không đúng với những gì họ có. Mặc dù, lời nói dối này sẽ giúp ứng viên vượt qua vòng loại hồ sơ, nhưng tại vòng phỏng vấn, khi đối mặt thực sự với nhà tuyển dụng, mọi khuyết điểm của ứng viên sẽ dần bị phát hiện. Chưa kể, trong trường hợp nếu bạn may mắn vượt qua vòng phỏng vấn để đến với vị trí thử việc. Những kinh nghiệm, kỹ năng này sẽ khiến bạn dần trở thành một kẻ ngốc trong mắt đồng nghiệp. Bởi toàn bộ kinh nghiệm hay kỹ năng có được đều phải trải qua một quá trình rèn luyện và học hỏi chứ không chỉ là những con chữ trong CV xin việc.
Lựa chọn tốt nhất cho ứng viên là cứ thành thật với những gì bản thân đạt được và chỉ liệt kê những kỹ năng nghề nghiệp của bản thân, để sẵn sàng thể hiện và khẳng định nó với nhà tuyển dụng trong buổi phỏng vấn.
Viết hồ sơ xin việc làm nổi bật và được nhà tuyển dụng để mắt đến có thể có rất nhiều cách. Nhưng việc lựa chọn nói dối để thu hút sự chú ý có thể khiến bạn gặp vấn đề không mong muốn kể cả trong công việc và cả cuộc sống. Việc lựa chọn cho mình một công việc phù hợp và cố gắng rèn luyện bản thân thay vì nói dối sẽ giúp bạn gặt hái được những thành công trong tương lai.
Thực hiện: Tú Trinh