Kinh nghiệm của ứng viên là một trong những điều được quan tâm hàng đầu của nhà tuyển dụng. Ứng viên có kinh nghiệm thường sẽ chiếm lợi thế hơn ngay từ giai đoạn sàng lọc hồ sơ. Vì vậy, khi viết CV bạn cần viết phần kinh nghiệm một cách khoa học, thông minh sao cho nổi bật được năng lực và tiềm năng của mình.
Một số cách viết kinh nghiệm trong CV cực chuẩn sau đây chắc chắn là điều bạn nên tham khảo khi chuẩn bị tìm việc.
Viết thông tin đầy đủ, chi tiết
Trong phần kinh nghiệm làm việc khi tạo CV đơn giản miễn phí, bạn nên viết đầy đủ gồm: Tên công ty, vị trí đảm trách (chức vụ nếu có), thời gian làm việc, mô tả công việc đã làm và kết quả đạt được. Bạn nên viết thêm kỹ năng của mình rèn luyện được sau quá trình làm việc ở đó. Khi viết đầy đủ, chi tiết như vậy, nhà tuyển dụng sẽ dễ hình dung được công việc cụ thể và đánh giá chính xác hơn năng lực ứng viên nếu nhận vào vị trí tuyển dụng.
Bạn lưu ý không nên viết kinh nghiệm dưới dạng chỉ liệt kê tên công ty và chức danh chung chung. Bởi vì nếu thiếu phần mô tả công việc, kết quả và kỹ năng đã rèn luyện được thì mục kinh nghiệm sẽ thiếu chiều sâu, không tạo được ấn tượng tốt.
Chọn viết các kinh nghiệm liên quan đến vị trí tuyển dụng hiện tại
Ngay cả khi đã làm qua nhiều vị trí khác nhau nhưng khi viết mục kinh nghiệm, bạn chỉ cần chọn viết 1 đến 2 công việc có liên quan nhất đến vị trí tuyển dụng và có thành tích đáng kể. Còn lại những việc không liên quan, không giúp ích cho vị trí mới bạn có thể loại bỏ.
Bí quyết là khi viết kinh nghiệm trong CV, bạn nên dựa vào phần mô tả công việc và yêu cầu tuyển dụng để khéo léo lựa chọn chi tiết… Cách viết này giúp bạn làm nổi bật năng lực đúng ngành nghề của mình mà không bị lan man.
Viết theo thứ tự thời gian gần đến xa
Công việc nào bạn vừa làm gần đây nhất? Nếu có liên quan đến vị trí ứng tuyển và giúp bạn rèn luyện được thêm các kỹ năng thì bạn nên viết đầu tiên ở mục kinh nghiệm. Với những công việc bạn đã từng làm rất xa và trong thời gian ngắn không nên viết vào lí do nó sẽ làm loãng thông tin và không được nhà tuyển dụng đánh giá cao.
Đừng quên sử dụng những con số và thuật ngữ chuyên ngành
Khi viết về kinh nghiệm, sử dụng số liệu cụ thể sẽ giúp chứng minh thêm năng lực của bạn một cách cụ thể nhất. Ví dụ số năm làm việc, số dự án tham gia, số liệu về kết quả đạt được vượt trội (doanh số, mức tăng trưởng…).
Bên cạnh đó, thuật ngữ chuyên ngành giúp cho CV của bạn chuyên nghiệp hơn. Khi viết kinh nghiệm cũng vậy, nếu bạn biết tận dụng các thuật ngữ chuyên ngành, CV của bạn sẽ có điểm nhấn và tạo được ấn tượng hơn.
Dẫn chứng cho mục kinh nghiệm bằng việc đính kèm Portfolio
Portfolio (hồ sơ năng lực) là những sản phẩm, dự án bạn đã thực hiện. Khi viết kinh nghiệm, bạn cũng nên “tranh thủ khoe” một số sản phẩm tốt nhất của mình. Đặc biệt với những ứng viên làm trong lĩnh vực công nghệ – truyền thông- marketing – sáng tạo, portfolio là dẫn chứng cho kinh nghiệm và năng lực để nhà tuyển dụng hình dung rõ ràng hơn về bạn.
Khi viết CV, bạn đừng quên lựa chọn và đầu tư portfolio thật ấn tượng để chinh phục nhà tuyển dụng một cách tuyệt đối.
Trình bày súc tích, đúng chính tả
Dựa vào cách viết, cách trình bày trong CV, nhà tuyển dụng phần nào đánh giá cách làm việc của ứng viên. Bạn nên viết đủ ý nhưng đảm bảo sự ngắn gọn súc tích, đúng chính tả, câu từ. Tránh tình trạng cẩu thả viết sai chính tả, lộn xộn và dài dòng. Mục kinh nghiệm nếu viết quá dài dòng sẽ chiếm diện tích CV một cách không cần thiết và gây khó cho người đọc.
Viết trung thực
Nếu bạn chưa có kinh nghiệm đáp ứng tiêu chí tuyển dụng thì cũng nên viết trung thực, tránh “tự vẽ” ra vị trí và chức danh ở công ty cũ. Đây là một sai lầm mà khi bị phát hiện ra bạn sẽ nhận hậu quả không hay.
Kinh nghiệm làm việc chính là một trong những cơ sở đánh giá năng lực ứng viên. Đặc biệt với những vị trí đòi hỏi kinh nghiệm thì bạn nên tìm hiểu cách viết thật ấn tượng để thu hút sự chú ý của nhà tuyển dụng. Một phần kinh nghiệm trong CV hấp dẫn sẽ giúp bạn tăng cơ hội nhận được lời mời phỏng vấn. Chúc bạn may mắn.
Đặng Hảo