Muốn dứt áo ra đi nhưng phút chót lại được công ty đề xuất tăng lương để níu giữ là tình cảnh tiến thoái lưỡng nan phổ biến hiện nay của không ít nhân viên công sở. Thực tế, số lượng vẫn quyết tâm ra đi so với số người lựa chọn ở lại trong tình huống này không có sự chênh lệch quá lớn.
Nếu bạn đang mắc kẹt trong tình huống trên, hãy tự hỏi và trả lời những điều dưới đây để có thể đưa ra một quyết định đúng đắn.
Những vấn đề vướng mắc ở công ty đã được giải quyết?
Gặp vướng mắc trong công việc nhưng không tìm được cách giải quyết thỏa đáng, cho dù bạn đã cố gắng tìm cách tháo gỡ, là một trong những nguyên nhân phổ biến khiến chúng ta muốn ra đi. Do vậy, nếu sếp có đề xuất tăng lương để giữ bạn ở lại thì bạn cũng cần trao đổi thẳng thắn với họ về những vấn đề đang cản trở công việc của bạn. Lương bổng có thể là một yếu tố quan trọng để bạn làm việc tại công ty, ví dụ như làm ở nhưng việc thấu hiểu và sẻ chia cùng cấp trên và đồng nghiệp để tìm tiếng nói chung trong công việc cũng đóng vai trò quan trọng không kém. Bởi nó quyết định trực tiếp đến sự thoải mái khi làm việc, khả năng gắn bó và cống hiến của bạn cho công ty.
Nếu bạn đã cố gắng nói rõ với sếp để tìm hướng giải quyết, nhưng mọi thứ dường như không có dấu hiệu thay đổi, hoặc bạn cảm thấy không thể chấp nhận được thì khi đó hãy quyết định ra đi. Ngược lại, nếu đó chỉ là một vài thay đổi mới nho nhỏ trong cách làm việc, giờ giấc, cách quản lý của sếp hoặc một vài điều khoản trong chính sách của công ty thì hãy thử làm quen với nó dần dần. Luôn nhớ rằng, doanh nghiệp nào cũng sẽ có những vấn đề của riêng họ, vậy nên chúng ta không thích nghi, thì buộc phải tự tìm đường rút lui.
Môi trường hiện tại có phải là nơi làm việc lý tưởng hay không?
Trong xã hội hiện đại như hiện nay, bên cạnh lương thì môi trường làm việc lý tưởng là ưu tiên hàng đầu của người trẻ khi tìm việc. Họ sẵn sàng từ bỏ một công việc ổn định, từ chối thẳng thừng việc ở lại khi được đề xuất tăng lương để tìm kiếm cho mình những cơ hội phát triển và hoàn thiện bản thân nhiều hơn.
Điều này hoàn toàn dễ hiểu bởi phần lớn thời gian trong ngày bạn làm việc tại công ty, nếu bạn không cảm thấy thoải mái hay yêu thích việc mình làm, không vui vẻ với đồng nghiệp, không thấy sự tiến bộ hay không có cơ hội phát triển, bạn sẽ sớm cảm thấy việc lên công ty là một điều miễn cưỡng. Một khi tinh thần không tốt thì việc sáng tạo hay linh động trong con người bạn cũng sẽ mất dần. Khi đó, bạn sẽ là người chịu thiệt thòi đầu tiên. Vậy nên, nếu không cảm thấy đó là môi trường làm việc lý tưởng, đừng ngại truy cập vào các trang web tìm việc làm, ứng tuyển một công việc khác để bạn thỏa sức thể hiện những tố chất của chính mình.
Số lương được tăng là bao nhiêu?
Thực tế, mức lương luôn thể hiện năng lực và giá trị của bạn. Rõ ràng, khi cấp trên đề xuất tăng lương để bạn ở lại, thì điều đó chứng tỏ bạn là người làm được việc, mang đến giá trị cho công ty và sếp bạn mong muốn bạn có thể tiếp tục đồng hành cùng họ. Song, bạn cũng cần cân nhắc thật kỹ về lương sau khi được tăng nếu ở lại và ngay cả trong chính sách tăng lương của công ty. Nếu bạn ở lại, mức lương đó có làm bạn thoải mái không, có khiến bạn tăng thêm động lực để phấn đấu hay không. Nếu bạn nghỉ làm và tìm một công việc tương tự ở một công ty khác tốt hơn, số lương bạn có thể đàm phán có thể cao hơn cả số lương sau khi tăng ở công ty hiện tại là bao nhiêu, bạn sẽ có nhiều cơ hội trong sự nghiệp, nhiều mối quan hệ tốt đẹp hơn không…
Mặc dù chỉ là những con số nhưng mức lương lại ảnh hưởng đến mọi thứ trong cuộc sống và cả công việc của bạn. Cho dù bạn đặt công việc lên trên, luôn nỗ lực phấn đấu vì công ty, nhưng nếu khoản lương bạn nhận được không đủ để trang trải cuộc sống, thì một lúc nào đó chính bạn sẽ là người chán nản đầu tiên. Vậy nên, trước khi mang tâm huyết và giá trị của bản thân trao cho công ty, bạn cần đảm bảo cuộc sống phía sau mang đến sự ổn định và yên tâm. Và lương chính là thứ sẽ mang đến cho bạn sự đảm bảo đó.
Mục tiêu tương lai của bạn là gì?
Điều quan trọng nhất là bạn cần trả lời câu hỏi “Mục tiêu nghề nghiệp của bạn trong tương lai là gì”? Chỉ khi xác định được mục tiêu tương lai, bạn mới có câu trả lời rõ ràng nhất và dễ dàng đưa ra quyết định cho chính mình.
Cần cân nhắc rằng, khi sếp bạn đề xuất tăng lương để níu giữ bạn thì họ đánh giá cao giá trị của bạn nhưng việc ở lại này có giúp bạn đi đến mục tiêu tương lai của mình hay không? Công việc đang làm có phải là vị trí bạn mong muốn hay không? Nếu càng ở lâu trong một vị trí mà bạn không mong muốn thì việc rút ra sau này càng khó khăn hơn. Chặng đường chinh phục mục tiêu cũng sẽ kéo dài hơn. Vậy nên, hãy cân nhắc một cách kỹ càng và đưa ra lựa chọn sáng suốt cho bản thân. Bởi không ai ngoài bạn biết được bản thân bạn muốn gì và làm thế nào để đạt được mong muốn đó.
Thực hiện: Huyền Nguyễn