Nằm giữa tâm đảo Indonesia củaJava là đỉnh Merapi, ngọn núi lửa dữ dội nhưng cũng đầy linh thiêng. Với những du khách thích mạo hiểm, leo lên đỉnh Merapi là một trải nghiệm độc đáo nhất mà họ có được trong chuyến ngao du Đông Nam Á. Tháng 10/2010, người ta đưa ra những cảnh báo về các dấu hiệu hoạt động trở lại của đỉnh Merapi, ngọn núi lửa năng hoạt nhất ở trung tâm Java. Merapi, tiếng Indonesia có nghĩa là “núi lửa”, cứ vài năm lại phun trào, nhưng lần phun trào cách đây 4 năm của nó thực sự đáng sợ. Nó phá hoại toàn bộ ngôi làng bên sườn phía nam, và cướp đi sinh mạng của hơn 350 người, trong đó có cả người giám hộ tinh thần của Merapi, được gọi một cách trìu mến là Mbah Marjidan. Tin rằng mình có thể dập tắt sự giận dữ của Merapi trong lần phun trào năm 2006, Marjidan một mình ở lại ngôi nhà của ông. Và người ta đã tìm thấy ông trong tư thế đang cầu nguyện, dưới lớp tro bụi của núi lửa. Cùng lúc đó, mạn phía bắc của núi lửa, làng Selo cũng được giải tỏa toàn bộ. Dân làng đã không làm theo lời khuyên của người giám hộ tinh thần hay những cảnh báo của chính quyền rời khỏi thị trấn- họ chỉ chạy trốn khi dòng nham thạch trào ra từ miệng núi.Người dân ở phía nam đã thấy nham thạch nhiều lần trước đó,” Sony Much, người đứng đầu Hiệp Hội Hướng Dẫn Tham quan Núi (Mountain Guide Association) cũng là điều phối viên của nhóm tìm kiếm cứu hộ địa phương, nói. “Thêm nữa, có những người đặt trọn niềm tin vào Marjidan hoặc ở lại để thuyết phục ông ấy rời bỏ nơi nguy hiểm. Với hầu hết người dân ở phía Bắc, đó là một cảnh tượng chưa từng thấy khiến ai nấy đều khiếp đảm. Chỉ có tôi và hai người bạn nữa vẫn ở lại.”
Bất chấp sợ hãi, dòng nham thạch đã không trào tới Selo, tuy nhiên, cả ngôi làng đã bị bao phủ bởi một lớp tro bụi dày và nóng. Khi dân làng dần dần quay trở về, họ đối mặt với sự thiếu nước và thức ăn trầm trọng. Cùng với các nhân viên Hội chữ thập đỏ, Sony gọi thêm một người đàn ông Pháp, tên là Francois Bouvery, mang thức ăn đến cứu họ. Lúc đó, công ty Jiwa Quest của Francois có trụ sở tại Selo cũng đang trong quá trình bắt đầu một loại hình du lịch mới là trekking trên núi Merapi. “Đó là lý do đưa tôi đến vùng đất này”, Francois chia sẻ.Tôi gặp Amandine của công ty Jiwa Quest và những người cùng đi chuyến trekking đó ở Yogyakarta, cố đô của Indonesia – trung tâm văn hóa nghệ thuật đặc trưng nhất vùng Java- mảnh đất của những ngôi nhà sơn màu sáng, thực phẩm đường phố tuyệt vời và những con người quá đỗi thân thiện . Chúng tôi cùng nhau tới Selo, trên đường đi, dừng chân ở Prambaran, một trong những quần thể đền chùa đầu tiên của đạo Hindu và Phật giáo.
Selo nằm giữa núi lửa Merbabu và Merapi khoảng 1500m. Đường đến đó băng qua những đoạn chữ chi ngoắt ngoéo, những người nông dân làm việc trên những dốc đá cheo leo, những ngọn đồi không được tạo bậc thang. Nhìn cảnh này lại thấy ruộng bậc thang ở Phillipines hay vùng núi phía Bắc Việt Nam thực sự ngoạn mục và thư thái.Khi đến túp lều cơ sở của chúng tôi trên núi, mọi thứ đã sẵn sàng: áo mưa, túi xách, áo lông cừu, mũ, khăn quàng, găng tay, nước uống tăng lực, đồ ăn nhẹ, đèn pin và nhiều thứ khác- một sự chuẩn bị quá chu đáo, nó nhắc nhở chúng tôi rằng chuyến đi này không hề dễ dàng, đơn giản. Sau khi đóng gói đồ đạc, chúng tôi sẵn sàng cho giai đoạn đầu tiên- 1 đêm đi bộ tới lều trại Merbabu ở độ cao 2300m.
Ban đầu, mọi thứ đều suôn sẻ, chẳng có gì khó khăn. Nhưng đến lối dẫn vào rừng rậm, khi người hướng dẫn viên phát quang lối đi với con dao rựa, cả nhóm bỗng hoang mang. Bóng tối bao trùm lên tất cả và chúng tôi thận trọng nhích từng bước lên với chiếc đèn pin trên đầu.Chúng tôi tới lều trại và thấy một bàn đầy bia, rượu và đồ ăn nhẹ đặt quanh đống lửa trại bập bùng. Húp bát súp Indonesia truyền thống cho ấm bụng, chúng tôi sưới ấm đôi chân trên đống lửa. Bóng núi Merbabu lờ mờ phía sau. Sau đó, Stan, người quản lý tour, bắt đầu nướng thịt trên lửa trước khi món bánh táo và ly vang đỏ của Amandine được mang ra, để đảm bảo chắc chắn rằng chúng tôi đủ sức và sẵn sàng cho một giấc ngủ thật sâu.
Cả nhóm tỉnh dậy lúc 5 giờ, trong một buổi sáng tuyệt vời: những dải mây màu xanh nhạt phân chia đường chân trời khi một lớp sương mù nhẹ bao phủ trên những dải đất bên dưới đỉnh Merapi, như muốn giấu hờ những ngôi làng thơ mộng cheo leo bên sườn núi. Mặt trời từ từ xuất hiện ở đường chân trời, khói dâng lên cuồn cuộn từ miệng núi lửa và sương mù dày đặc khi bầu trời biến hình qua vô số màu sắc từ tím, cam đến đỏ. Bình thường thì tôi chẳng mấy khi bỏ qua bữa sáng, nhưng hôm đó, bánh mỳ trứng omllette và cốc cà phê nóng hổi của tôi bị bỏ bê nguội lạnh. Tôi thực sự choáng ngợp trước khung cảnh ngoạn mục đó. Chỉ có hai người hưởng ứng lời đề nghị leo lên đỉnh Merbabu, và chúng tôi lên đường lúc 7 giờ sáng, theo bước chân của người hướng dẫn viên già 60 tuổi, ông Popeye. Ông nói phải mất gần 2 giờ mới có thể leo lên đến đỉnh Merbabu nhưng cuối cùng, chúng tôi đã cán đích chỉ trong vòng 1 giờ. Để ăn mừng thành tích này, Popeye lôi ra một điếu xì gà và ngồi xuống tận hưởng quang cảnh ngoạn mục xung quanh. Lúc này, những đám mây đã kéo dày đặc, nhưng thi thoảng cũng có chỗ mây thoáng đãng, để lộ khung cảnh những ngọn đồi trập trùng bên dưới mà người bạn đồng hành với tôi hôm đó nói rằng băng qua những ngọn đồi đó là anh có thể trở về Machu Pichu.Quay trở lại ngôi làng, chúng tôi tận hưởng phần còn lại của bữa tiệc khi thư thái ngâm chân trong chậu nước ngát hương hương thảo mộc, và nhấm nháp ly trà cùng với đào lộn hột rang. Tất cả đều rất tuyệt cho sức khỏe, lúc đó chưa đến 10h sáng, nhưng với tôi, lời mời uống một ly bia lạnh từ Stan quả là không dễ chối từ.
Sau bữa ăn tuyệt vời với thịt gà nướng kiểu Indonesia, những tiếng sấm nổ inh tai bật ra từ đỉnh Merbabu và Merapi dự báo điềm chẳng lành. Chúng tôi định lên đỉnh Merapi lúc 1 giờ sáng. Trong lúc những người khác tận hưởng massage ngay tại phòng nghỉ, tôi tìm gặp người hướng dẫn viên chính, Sony. Kỳ lạ là anh rất bình thản trước dấu hiệu thời tiết xấu đó: “Không vấn đề gì,” anh nói, khi mưa đổ xuống như trút quanh chúng tôi, “mưa sẽ tạnh lúc 11h giờ đêm.” Tôi có mọi lý do để tin Sony, bởi anh đã sống trong khu vực này cả cuộc đời và có khả năng dự đoán rất tốt, trước đó, anh đã dự đoán chính xác quy mô và ngày núi lửa Merapi bùng nổ năm 2010.Có bao nhiêu ngôi làng quanh núi Merapi thì có bấy nhiêu thần thoại về nó, và Selo cũng không ngoại lệ. Ở đây, dân làng tin rằng nhiều năm trước, một vị thánh đã rời bỏ làng và không ai tìm thấy ông; linh hồn của ông được cho là đã yên nghỉ trên đỉnh núi lửa. Hàng năm người làng hy sinh một con trâu, mang lên đỉnh Merapi và ném vào miệng núi lửa để làm vật cống nạp. Sony thừa nhận rằng có đến một nửa người dân trong làng vẫn đặt niềm tin vào nghi lễ cổ xưa này.
Sau khi trò chuyện với Sony và nạp thêm năng lượng cho mình với một dĩa pasta cá hồi, tôi nằm xuống giường và thiếp đi trong tiếng mưa đập ầm ầm trên cửa kính. Nhưng Sony đã đúng- tiếng chuông báo thức lúc nửa đêm báo mưa đã ngừng và bầu trời ngập tràn những vì sao. Cùng với hướng dẫn viên Trioro, chúng tôi lên đường. Đã dành cả buổi chiều để tìm hiểu về những sự kiện năm 2010, ai trong chúng tôi cũng có cảm giác đoán trước được những gì sẽ xảy ra khi đặt chân lên đỉnh Merapi. Từ lúc bắt đầu đã liên tục gặp đường dốc, nhưng chúng tôi biết cách chia thời gian và dừng lại sau khi leo ba ngọn đồi đầu tiên để thu vào tầm mắt khung cảnh tuyệt vời trên cao. Từ trên độ cao ấy, chúng tôi mới hiểu vì sao người ta thống kê Java là hòn đảo đông dân cư nhất thế giới- ánh đèn đường hắt lên soi tỏ những ngôi làng trài dài khắp các sườn của vô số núi lửa.Sau ba giờ đầu tiên, đất chắc nịch nhường chỗ cho cát và đá núi lửa, che kín quá nửa những dấu chân mỗi bước chúng tôi đi qua. Chúng tôi leo lên, qua những tảng đá nóng đến cháy da nếu vô tình chạm tay vào. Chặng cuối cùng đặc biệt rất dốc, cứ 10 phút, Trioro lại động viên chúng tôi một cách hài hước: “một phút nữa thôi là tới!” để thôi thúc cả đoàn đi tiếp.
Chúng tôi tới đỉnh núi trước khi mặt trời mọc, và nghỉ lại kề ngay miệng núi lửa với hy vọng có thể nhìn thấy dù chỉ là một chút nham thạch. Dù Trioro đã leo lên đỉnh Merapi cả hơn nghìn lần, nhưng sự nhiệt tình đầy nghị lực của anh vẫn có sức lan tỏa rất lớn. “Tôi thực sự hy vọng các bạn đủ may mắn để thấy nham thạch,” anh cười rạng rỡ khi chúng tôi nhìn chằm chằm vào đám khói lưu huỳnh bốc lên. Một lần nữa, may mắn lại đồng hành cùng chúng tôi và trong phút chốc, khói ngừng bốc lên, chúng tôi chộp lấy khoảnh khắc dòng nóng đỏ đầy hăm dọa phía bên dưới miệng núi lửa. Trước năm 2010, người ta vẫn có thể trèo xuống miệng núi lửa, nhưng giờ thì không ai được phép. Sức mạnh của lần phun trào năm đó đã khiến không ai có thể biết trước điều gì sẽ xảy ra. Khi mặt trời mọc, chúng tôi có dịp chứng kiến sức mạnh không giới hạn của lần phun trào định mệnh đó, khi thấy vành núi với những dấu vết như thể nó bị xé rời từng mảnh. Một đôi sọt và một chiếc cọc tre dài nằm gần đó- bằng chứng của lần cống nạp gần đây nhất để an ủi những linh hồn. May mắn lại mỉm cười khi đường xuống núi khô và sáng sủa. Chúng tôi chạy hết tốc độ xuống sườn dốc phủ đầy cát tới một cao nguyên bình dị với những tảng đá núi lửa bên dưới đỉnh núi. Đi được một phần ba quãng đường xuống, tôi hỏi Trioro rằng chắc người dân nơi này ai cũng ít nhất một lần leo lên đỉnh núi. “Một lần?” anh cười, “rất nhiều người leo lên đỉnh cao này hai lần mỗi ngày.” Họ trèo lên một lần để cắt cỏ cho gia súc, và lần thứ hai để tìm gỗ khô đốt lửa. Nghe anh nói vậy, tôi thấy những nỗ lực vừa rồi của mình chẳng thấm vào đâu.
Merapi có thể thi thoảng tạo ra những thảm họa, nhưng cùng với rất nhiều núi lửa của Indonesia, nó cũng ban phú cho đất nước này những mảnh đất phù sa bao la rộng lớn và ngày nay còn giúp cho nền kinh tế địa phương phát triển với ngày càng nhiều những du khách tìm đến để trekking. Đứng dưới chân núi, Trioro, dù rất mệt nhưng vẫn không lúc nào tắt đi nụ cười trên môi, nói một cách triết lý: “Giờ là lúc các bạn tận hưởng những nguồn lợi mà Merapi mang lại- có lẽ phải 45 năm nữa, chúng tôi mới phải đối mặt với sự giận dữ của “cô nàng” một lần nữa.”Bài và ảnh: David Lloyd
|