Khi được tuyển chọn để tham dự cuộc phỏng vấn xin việc, có nghĩa là hồ sơ của bạn đã được thông qua. Nhà tuyển dụng đã nắm được học vấn, trình độ chuyên môn và một số thông tin đi kèm. Tuy nhiên đó chỉ là bước đầu, cuộc phỏng vấn mới chính là chìa khóa mở ra “cánh cửa” việc làm tiếp theo.
Nếu đang chuẩn bị ứng tuyển một vị trí nào đó, bạn nên tham khảo 5 sai lầm khiến ứng viên dễ bị đánh rớt theo khảo sát của các trang mạng tuyển dụng sau đây.
Kỹ năng giao tiếp không tốt
Nhà tuyển dụng đánh giá kỹ năng giao tiếp của ứng viên qua cách nói năng, dùng từ đặt câu, qua âm lượng, tông giọng và cả ngôn ngữ cơ thể. Một người nói quá to, gấp gáp hay nói quá nhỏ sẽ không tạo được ấn tượng tốt với người nghe.
Do đó bạn nên lưu ý cần giữ chất giọng và ngôn từ chuẩn (tốt nhất dùng ngôn từ phổ thông, hạn chế dùng từ địa phương) để phỏng vấn viên dễ nghe hiểu; điều chỉnh âm lượng ở mức vừa phải, dùng câu có chủ ngữ, vị ngữ và kính ngữ nếu nói chuyện với người lớn hơn. Nếu có kỹ năng giao tiếp tốt, bạn sẽ dễ truyền đạt đến người đối diện và ghi điểm cộng trong cuộc phỏng vấn.
Trả lời câu hỏi một cách rập khuôn
Dù đã tham khảo những câu hỏi và câu trả lời mẫu trước khi tham dự phỏng vấn, thì bạn nên sử dụng chúng một cách khéo léo, bởi nhà tuyển dụng sẽ không đánh giá cao những câu trả lời rập khuôn. Do đó bạn phải chính là người tìm hiểu sâu và đưa ra cho mình những câu trả lời thấu đáo, sáng tạo và khôn khéo, qua đó bộc lộ được tâm tư, cá tính (hay khí chất riêng) của mình. Không nên tạo ấn tượng cho nhà tuyển dụng thấy bạn cũng là một ứng viên mờ nhạt như số đông.
Thiếu trung thực
Rất nhiều ứng viên mắc sai lầm là thổi phồng thành tích, mức lương hay vị trí đã được đảm nhận ở công việc trước đây để nâng cao năng lực bản thân. Họ cho rằng nhà tuyển dụng không thể nhận biết. Tuy nhiên, đây hoàn toàn là quan niệm sai lầm. Với một “con mắt nhà nghề” nhà tuyển dụng chuyên nghiệp có thể dễ dàng để kiểm tra thông tin ứng viên mà không cần mất quá nhiều thời gian. Bạn cũng nên lưu ý để không phạm phải sai lầm nghiêm trọng này vì đây là lỗi dễ dàng bị đánh rớt nhất.
Tự tin thái quá hoặc thiếu tự tin/ bi quan
Điều quan trọng khi tham gia một cuộc phỏng vấn xin việc, đó là sự bình tĩnh, tự tin và đúng chừng mực. Sự tự tin thái quá dễ mang lại cảm giác bạn là kiểu người tự cao, tự đại, thích khoe khoang. Bên cạnh đó, không nhà tuyển dụng nào muốn sở hữu nhân viên thiếu tự tin, rụt rè và thái độ sống bi quan.
Thế nhưng thực tế 2 kiểu ứng viên này có tỉ lệ rất cao. Điều quan trọng là bạn cần điều chỉnh bản thân mình ở mức độ vừa phải, vừa có tự tin vừa có thái độ khiêm nhường, sẵn sàng học hỏi.
Ngoại hình quá tệ
Ngoại hình bao gồm cả hình thể, gương mặt, kiểu tóc, trang phục, phụ kiện và phong cách đi đứng, ánh mắt, nụ cười.
Sẽ có một số nhóm ngành nghề chú trọng ngoại hình như chiều cao và hình thể. Chẳng hạn lễ tân, PG, hoạt động nghệ thuật, phi công, tiếp viên hàng không … Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là nhà tuyển dụng không để ý tiêu chí ngoại hình ở nhóm ngành khác. Đôi khi chính ngoại hình quá kém là nguyên nhân bạn không có được cơ hội cạnh tranh với những ứng viên khác. Thế nhưng rất nhiều người không lưu ý điều này. Kết quả là bản thân kém nổi bật, không tạo được ấn tượng tốt.
Bí quyết là trước khi phỏng vấn bạn nên dành thời gian chăm sóc bản thân nhiều hơn bằng cách sinh hoạt điều độ, dưỡng da sạch đẹp, tạo kiểu tóc và chuẩn bị trang phục phù hợp với dáng người, với tính chất công việc. Khi đi tham gia phỏng vấn với ngoại hình phù hợp và chỉn chu, bạn sẽ tự tin và dễ tạo thiện cảm hơn trong mắt nhà tuyển dụng.
Tóm lại, để chinh phục nhà tuyển dụng ở vòng phỏng vấn xin việc là điều không dễ dàng, đặc biệt với những công việc tốt, tỉ lệ cạnh tranh cao. Đừng để công sức “đổ sông đổ biển” khi mà hồ sơ của bạn đã được “lọt vào mắt xanh” nhà tuyển dụng. Những lưu ý trên là điều cần thiết để bạn tham khảo trước khi tham dự bất kì cuộc phỏng vấn nào. Hãy thể hiện cho nhà tuyển dụng thấy bạn là một người chuyên nghiệp có đủ cả chuyên môn và kỹ năng, thái độ tốt để sẵn sàng gia nhập và cống hiến cho sự phát triển chung của công ty.
Thực hiện: Đặng Hảo