Những câu hỏi phỏng vấn là công cụ mà các nhà tuyển dụng thường sử dụng để sàng lọc và tìm ra ứng viên tốt nhất. Dù ứng tuyển ở vị trí nào, công ty nào thì bạn sẽ thường gặp những dạng câu hỏi sau đây.
Dạng câu hỏi tìm hiểu cơ bản
Khi bắt đầu vào buổi phỏng vấn kiếm việc làm, nhà tuyển dụng sẽ kiểm tra và xác thực lại những thông tin trên CV ứng viên đã mô tả. Bởi vậy nhà tuyển dụng sẽ sử dụng những câu hỏi phỏng vấn cơ bản như Hãy giới thiệu về bản thân bạn, Bạn đạt thành tích gì trong quá trình học tập/công tác trước đó? Điểm mạnh/điểm yếu của bạn là gì? Sở thích của bạn ra sao?…
Đây được coi là dạng câu hỏi truyền thống giúp nhà tuyển dụng có bức tranh tổng thể về thông tin ứng viên đồng thời tạo ra không khí thân thiện nhất định giúp ứng viên tự tin hơn trong quá trình phỏng vấn. Vì vậy, đây dường như là dạng câu hỏi bắt buộc mà ở cuộc phỏng vấn nào bạn cũng có thể gặp. Hãy chuẩn bị thật kỹ cho những câu hỏi phỏng vấn này để có thể hoàn thành xuất sắc nhất, bởi đây được coi là dạng câu hỏi dễ nhất.
Dạng câu hỏi tình huống đánh giá năng lực chuyên môn ứng viên
Nhà tuyển dụng sẽ dựa vào vị trí bạn ứng tuyển sẽ đưa ra một số tình huống giả định, hoặc những tình huống đã xảy ra, buộc bạn phải xử lý dựa vào năng lực sẵn có. Những câu hỏi có thể là Bạn xử lý như thế nào với sự việc này? Nếu sếp giao cho bạn dự án X, bạn sẽ làm gì? Nếu được tuyển dụng ở vị trí này, bạn sẽ đóng góp được gì cho công ty?
Những câu hỏi phỏng vấn dạng này với mục đích giúp nhà tuyển dụng biết được kinh nghiệm trước đây cũng như “trực tiếp” nhìn thấy khả năng chuyên môn của ứng viên… Từ đó, có những đánh giá với kinh nghiệm, khả năng đó có phù hợp với vị trí nhà tuyển dụng đang mong muốn hay không.
Dạng câu hỏi giả định kiểm tra kỹ năng mềm của ứng viên
Ngày nay các nhà tuyển dụng thường sử dụng những câu hỏi nối tiếp nhau buộc ứng viên phải vận dụng linh hoạt các kỹ năng để xử lý. Nhà tuyển dụng dựa vào câu trả lời của ứng viên rồi đặt câu hỏi “vặn” lại ứng viên vừa để xác định độ trung thực của thông tin, vừa để ứng viên phải vận dụng linh hoạt các kỹ năng. Những câu hỏi phỏng vấn này thường đòi hỏi sự am hiểu cũng như trình độ nhất định của cả người hỏi và người trả lời. Chẳng hạn như:
- “Bạn có muốn gắn bó lâu bền với một công ty?” Nếu câu trả lời của bạn là “có” thì nhà tuyển dụng có thể sẽ hỏi tiếp “Vậy vì sao bạn lại nhảy việc?”
- Khi công ty thay đổi, bạn được điều chuyển sang vị trí khác thì bạn có sẵn sàng không? Nếu đó là vị trí thấp hơn vị trí bạn đang làm thì sao?…
- Khả năng chịu áp lực công việc của bạn? Bạn có sẵn sàng làm thêm giờ?…
Dạng câu hỏi kiểm tra về sự phù hợp văn hóa
Thường đây sẽ là những câu hỏi liên quan đến “lịch sử” môi trường làm việc trước đó của bạn. Những câu hỏi này giúp nhà tuyển dụng tìm hiểu thêm về phẩm chất, tích cách của bạn như Sở thích của bạn là gì? Bạn đánh giá sếp cũ của bạn là người như thế nào? Bạn đã từng làm gì khiến đồng nghiệp khó chịu không? Hãy kể về môi trường làm việc bạn hài lòng nhất.
Dựa vào những câu hỏi phỏng vấn dạng này nhà tuyển dụng sẽ tìm ra những điểm phù hợp văn hóa với doanh nghiệp của họ, từ đó làm căn cứ khi đưa ra quyết định lựa chọn hay không lựa chọn ứng viên.
Dạng câu hỏi mở
Sau những dạng câu hỏi trên, nhà tuyển dụng có thể sẽ sử dụng thêm những câu hỏi phỏng vấn mở. Đây là dạng câu hỏi khá khó, đòi hỏi ứng viên phải thật sự tập trung, lắng nghe và ứng biến linh hoạt để có thể trả lời. Nó đôi khi là câu hỏi “bẫy” nhà tuyển dụng đưa ra nhằm phát hiện những “điểm sáng khác biệt” hoặc năng lực khác của ứng viên như Bạn nghĩ bạn sẽ thế nào trong 3 năm tới? Bạn sẽ hợp tác với chúng tôi trong bao lâu? Vì sao bạn lại chọn chúng tôi?
Trên đây là những câu hỏi phỏng vấn thường gặp để bạn tham khảo. Hi vọng với những chia sẻ này sẽ giúp bạn thêm tự tin trước khi bước vào những cuộc phỏng vấn tiếp theo.
Thực hiện: Nguyễn Lý