sanhdieu.com.vn

50 NĂM VÀO DẢI NGÂN HÀ

Star Trek Beyond (reboot 2016) khiến tôi nhung nhớ cái không khí của các phim khoa học viễn tưởng hồi phía giữa về cuối thế kỉ 20. Có hơi buồn vì ngày nay những phim khai thác tương lai theo hướng Utopia thường bị cười cợt là trò trẻ con, và xu hướng hậu tận thế lại đang dần trở thành định nghĩa quen thuộc và dễ chấp nhận khi nói về chủ đề ấy. Nhưng khi xem Star Trek, góc nhìn tích cực, tất nhiên đầy cổ điển, đủ làm tôi háo hức và được truyền cảm hứng.stb-01914rlc-1200

Nhiều người đã để ý, biên kịch của Star Trek Beyond là Simon Pegg, người đồng thời cũng thủ vai Montogomery Scott và Doug Jung (cũng là người đóng vai cộng sự của lái tàu Hikaru Sulu)! Sự tham gia của Simon Pegg trong vai trò biên kịch đã khiến Star Trek Beyond có thêm sắc màu mới. Và tất nhiên, vì là biên kịch nên ông đã “ăn gian” cho nhân vật Scott nhiều đất diễn hơn, để ông có thêm thời gian mà trình diễn stand-up comedy, lối tấu hài một người đã mang lại cho Pegg danh tiếng một thời. Scott xuất hiện nhiều hơn, đồng nghĩa với việc trong Star Trek Beyond, yếu tố hài hước trở nên rõ nét hơn so với hai phần trước đó. Thế nhưng yếu tố hài hước không khiến mạch phim bị loãng, hay nhạt nhoà, trái lại, nó là những khoảng nghỉ cần và đủ xen giữa những cao trào hành động xuất hiện dồn dập ngay từ những phút đầu phim.

star-trek-beyond-zoe-saldana-john-cho

NỖI TRĂN TRỞ CỦA KIRK

Cá nhân tôi nhận xét cốt truyện của Star Trek Beyond xúc tích, đủ chiều sâu và kịch tính để khán giả không kịp cảm thấy nhàm chán khi theo dõi trên màn ảnh – nhưng tất nhiên với điều kiện họ phải vượt qua được quãng 10 phút đầu phim cho giới thiệu nhân vật, và lồng ghép cả những kiến thức về lịch sử Star Trek từ những năm tháng xa lơ lắc. Phần mở đầu ấy được giới thiệu bằng giọng tự sự của Kirk, khá dài, sẽ khiến những bạn trẻ không quen thuộc với dòng phim bị hoang mang, nhưng đủ chi tiết và rành mạch để họ hiểu được vấn đề mà nhân vật chính đang phải đối mặt, như một câu thoại của nhân vật tôi đã quên mất tên, “rất dễ lạc khi đi trên một chuyến hành trình vô định”.

Dễ dàng nhận thấy sự mệt mỏi và lạc lối ấy của Kirk trong nhật kí của anh, khi mà ổn định trở thành một nhịp sinh học nhàm chán, và ta bắt đầu nhớ đến một điều mà bản thân hiểu rõ ràng, nhưng không thể bật ra thành ý tưởng, những biến cố. Vấn đề của Kirk vẫn thế, sau ba phần. Anh là ai, và anh muốn là ai. Nhưng chỉ đến Star Trek Beyond, nó mới thực sự được bắt tay vào giải quyết theo một cách tinh tế. Mọi thứ riêng lẻ, tưởng chừng như không có mối liên hệ về động cơ, nhưng tựu chung lại, đều xoay quanh việc giải đáp khúc mắc về tâm lý ấy của Kirk.

Sau Kirk, các thành viên khác trong phi hành đoàn như Spock, Bones, Uhura, Sulu… đều không có những thay đổi đáng kể trong quan điểm, trong tâm lý hay cảm xúc. À, có Spock. Nhưng vì phần reboot tập trung “dìm hàng” anh theo hướng một người đàn ông cứng nhắc và vụng về với chỉ số EQ thấp thảm hại, nên những vấn đề tưởng chừng rất to tát nơi anh đều có vẻ là chẳng đi đến đâu.

beyond

PHI HÀNH ĐOÀN THỰC HIỆN SỨ MỆNH

Tôi thích cách bộ phim triển khai theo hướng “Nhân vật chính của bộ phim này là phi hành đoàn Starfleet” thay vì mình Kirk hay bộ ba “bromance” Kirk – Spock – Bones. Không còn kiểu tất cả manh mối đều tập trung về Kirk trong khi nhân vật khác chỉ có nhiệm vụ giúp anh thu thập như trong Into the Darkness. Star Trek Beyond gửi gắm cho mỗi nhóm nhân vật nhiệm vụ riêng biệt, như thể giao họ những mảnh ghép, bình đẳng với nhau về tầm quan trọng trong bức tranh lớn. Đây không còn là câu chuyện về một người anh hùng cứu cả phi hành đoàn. Đây là câu chuyện về cả một phi hành đoàn đang trên đường thực thi sứ mệnh của họ. Bảo vệ nhau như một gia đình.

Quả thật, nếu Star Trek là series dài hơi độc đáo hơn cả so với con số hàng trăm những bộ phim du hành vào tương lai, thì Star Trek Beyond chính là phần phim độc đáo hơn cả so với hai phần còn lại trong series reboot. Và tôi cũng đang ngóng chờ TV series mới sẽ ra mắt vào năm 2017.

startrekbeyond-crew-franklin

Tôi không rõ những cảm xúc đặc biệt của mình dành cho Star Trek có bị ảnh hưởng nhiều từ Doctor Who hay cái chết đột ngột của Anton Yelchin hay không, nhưng rõ ràng bộ phim đã khiến tôi có những cảm xúc rất cụ thể. Đó không phải là kiểu ôi hay ghê ôi hay quá, mà nó là những khoảng rất riêng để đồng cảm nhân vật, để đủ khiến say mê sẵn sàng đào bới lại 50 năm lịch sử.

Còn về người mà bộ phim được làm ra để dành tặng, ít nhất Anton Yelchin cũng đã có một màn trình diễn thật tuyệt vời. Cậu ấy khiến nhân vật Chekov “trưởng thành”. Từ chỗ là chàng phụ lái, rồi cậu thợ máy lúc nào cũng cuống quýt cả lên, tới độ phá banh cả con tàu, Chekov đã trở thành một người đồng đội mà Kirk có thể tin tưởng, cùng anh chiến đấu trong những giờ khắc sinh tử, dù về bản chất, anh vẫn là một người bi quan không thể tả. Đoàn làm phim đã xác nhận họ sẽ không cast diễn viên mới vào vai Chekov thay cho Yelchin. Tôi nghĩ đó là một quyết định đúng đắn, vì không ai có thể thay thế được Anton trong việc khắc hoạ sự trưởng thành của một nhân vật, dù chỉ là một vai thứ, rõ nét trong cả diện mạo lẫn tâm hồn như anh.

Bài: Anh Phan

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on linkedin
LinkedIn

Bài viết liên quan

Zalo
0908.335.898