Đã qua rồi cái thời chỉ “boy nhà nghèo” mới chịu cảnh thiếu thốn triền miên, con nhà khó khăn mới phải bấm bụng làm thêm” cày” tiền học. Giờ, con đại gia cũng cực khổ trăm bề, cũng nhịn ăn sáng, cũng mặc hàng thùng, đi xe đạp….
Kể từ khi phất lên nhanh chóng nhờ chuỗi cửa hàng ăn nhanh, cuộc sống gia đình anh Dũng (Cầu Giấy, Hà Nội) thay đổi đến chóng mặt. Mua hết chung cư này anh lại tìm thêm biệt khác, xe ô tô thì thay như thay áo, nhà mỗi người một “xế” riêng, con cái hiển nhiên toàn gửi gắm ở các trường có học phí tới cả ngàn đô.
Ấy thế nhưng đó là chuyện của những ngày đầu mới “phất”, giờ gara nhà anh chỉ còn một chiếc xe của anh và một chiếc của chị. Các xe dự định tặng cho con giờ anh bán hết. Hai con trai của anh, một đang học lớp 9, một mới bước vào cấp 2, hàng ngày đạp xe 10km đến trường. Và dù mưa hay nắng, đi học hay đi chơi, xe đạp cũng là phương tiện duy nhất mà các cậu con có được.
Nhìn cảnh hai cậu công tử trắng rớt, hao gầy mướt mát đạp xe, hàng xóm, người thì chê trách “giàu mà ky bo”, kẻ độc miệng đoán già đoán non: “nhà này đến kỳ mạt vận”. Chỉ bạn bè thân thiết mới hiểu, đây đơn giản là chiến thuật nuôi con của vợ chồng anh chị và rằng họ đang muốn con trưởng thành nhờ môi trường nghèo khó.
Không chỉ không hạn chế phương tiện đi lại, anh chị còn áp dụng một chế độ sinh hoạt hà khắc: không điện thoại, không máy tính và không có tiền tiêu vặt. Hàng tháng, ngoài những khoản đóng góp học tập do bố mẹ trả, các cậu bé chỉ được nhận một, hai trăm nghìn mỗi tháng. Đây là số tiền để các cậu phải lo cho một loạt những khoản như bút mực, sinh nhật, ăn sáng, bơm xe… Các cậu phải tự phân bổ số tiền này cho các chi phí phụ đó và nếu lỡ tay tiêu hết sớm thì các ngày còn lại chúng buộc phải tự xoay sở.
Nhiều khi nhìn tụi trẻ loay hoay nấu mì ở nhà ăn hay ăn cơm nguội do lỡ tiêu hết tiền ăn sáng, nhiều lần chị đã định bảo anh “nương tay”, nhưng cuối cùng anh chị đều thống nhất mặc bọn trẻ xử lý.
Tâm sự với người bạn về “chiến thuật” dạy con của mình, anh cho hay: “Tiền bạc chả bao giờ tốt với lũ trẻ cả. Đàn ông mình lạ gì đâu, cứ có tiền là hư lắm. Không có thói quen tiêu vặt, bọn nó sẽ không hình thành thói quen tiêu tiền phung phí. Không có tiền tiêu vặt, cơ hội tiếp xúc với thói hư tật xấu, tệ nạn bên ngoài cũng ít đi. Không có nhiều tiền tiêu vặt, bọn chúng cũng sẽ biết cách tiết kiệm, biết cách kiềm chế ham muốn của mình, học cách tiêu tiền có kế hoạch…”
**
Cả chục năm buôn bán thành công trong lĩnh vực bất động sản, anh Thanh (Q.1, TPHCM) đã gây dựng được một khối tài sản khá bề thế. Nhìn sự ăn nên làm ra này, ai cũng bảo có đến đời cháu cũng vẫn còn sung túc. Nhưng với anh, sự giàu có đó lại cũng chính là nỗi lo – “lo tụi trẻ ỷ lại cha mẹ không nỗ lực bản thân”.
Ngay từ khi cậu con trai còn chập chững bước vào lớp 1, anh đã tham khảo nhiều nơi, tìm nhiều lớp học mà ở đó con trẻ phải đối diện với những khó khăn, với kỷ luật và sự hà khắc. Khi cậu con còn bé, hè nào anh cũng gửi con vào các trại hè quân đội. Một mình bé phải đổ mồ hôi theo những bài luyện tập suốt cả tháng trời trong điều kiện xa gia đình. Khi con bước vào cuối cấp hai, anh gửi con ở một cơ sở sản xuất mây tre của người bạn và phải lao động thực sự như những người công nhân ở đó. Toàn bộ tiền công làm được, anh đều cho con giữ và coi như đó là khoản tiền tiêu vặt mà con được phép dùng.
Sống trong ngôi biệt thự bề thế nhưng sinh hoạt của cậu con không khác gì con nhà nghèo. Cậu bé cũng phải đi xe bus đi học, cũng phải tiết kiệm tiền ăn sáng để mua đồ chơi, cũng phải đá bóng trong sân tập thể chật hẹp. Và so với bạn bè cùng lớp, cậu chỉ khác hơn các bạn là được học tiếng Anh tại những trung tâm của người bản ngữ, được bố mẹ đầu tư những phần mềm học trực tuyến đắt tiền. Còn lại cậu thua kém bạn bè mọi mặt về giải trí, cậu chưa từng biết đến Iphone, Ipad, chưa từng biết đi xe máy.
Trong khi con những gia đình bề thế bạn bè khác thường gửi con đi du học châu Âu, châu Úc thì anh lại chủ trương sau này khi tốt nghiệp cấp 3 trong nước, anh sẽ cho con đi bộ đội. Anh bảo muốn học hành, làm trời biển gì thì cũng làm sau khi đi bộ đội… Chuyện nghe tưởng đùa nhưng là kế hoạch thực sự của gia đình anh
**
Đối với phần lớn các bé trai, tiền không phải là chuyện tốt. Không phải ngẫu nhiên các nhà giáo dục đưa ra kết luận này khi bàn về giáo dục con trai. Bản dĩ từ khi sinh ra con trai đã có ham muốn chiếm đoạt. Chúng thích những đồ chơi kiểu mới, thích các loại mô hình, thích chơi game, lên mạng… Trong khi đó, khả năng tự kiềm chế của con trai rất kém, nếu bố mẹ cho chúng quá nhiều tiền thì chúng chẳng cần phải suy nghĩ, sẽ chạy ngay đến cửa hàng đồ chơi, chạy đến các quán game…
Môi trường nghèo khó không chỉ khiến con trai biết quý trọng tiền bạc mà còn khiến chúng có thể rèn luyện nhiều phẩm chất ưu tú hơn như kiên cường, dẻo dai, lạc quan, suy nghĩ tích cực…
Trong xã hội hiện đại, nam giới phải đối mặt với nhiều áp lực, cạnh tranh xã hội rất mạnh mẽ, yêu cầu về năng lực, phẩm chất cũng cao hơn. Vì vậy nên theo các nhà giáo dục, ngay từ khi con trai còn nhỏ, bố mẹ cần chú trọng bồi dưỡng tố chất toàn diện cho con trai thì mới mong con trai đi đúng hướng.
Đó là lý do con trai cần được nuôi dưỡng trong môi trường nghèo khó. Tin tôi đi!
Bài: Trọng Nguyên