2018 là một năm khá sôi nổi của điện ảnh Việt Nam. Hãy cùng nhìn lại và đánh giá điện ảnh Việt đã đi xa được đến đâu trong năm nay
SỐ LƯỢNG TĂNG NHƯNG VẪN LÉP VẾ SO VỚI PHIM NGOẠI
Tính đến hết tháng 12/2018, có khoảng 40 phim Việt Nam chiếu rạp năm nay. So với năm 2017 (khoảng 30 phim), số lượng phim Việt tăng lên khoảng 30%. Tuy nhiên nếu so sánh với số lượng phim ngoại (khoảng 230 phim), phim Việt vẫn quá lép vế. Nếu nhìn sang các nước trong khu vực như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, số lượng phim nội luôn chiếm từ 1/2 đến 2/3 số lượng phim chiếu rạp một năm. Nguyên nhân một phần vì các nước này luôn có quy định bảo trợ phim nội địa ngay trong điều lệ quản lý điện ảnh. Nhà nước có nguồn ngân sách hỗ trợ các nhà làm phim trong nước ở một số nhóm đề tài đặc biệt, miễn thuế cho các đơn vị sản xuất phim hoạt hình, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp từ 1-3 năm cho các đơn vị mới vào nghề trong lĩnh vực sản xuất, phát hành và rạp phim… Ngoài ra họ cũng quy định luôn tổng thời lượng phim nội địa phải nhiều hơn tổng thời lượng phim ngoại nhập. Phim ngoại có thể bị chiếu trễ hoặc dời lịch chiếu để ưu tiên cho phim nội địa. Chính điều này đã kích thích các nhà làm phim trong nước chăm chỉ sáng tạo tác phẩm chiếu rạp.
Phim Việt năm nay ra mắt nhiều nhất vào tháng 2 – thời điểm Tết âm lịch (6 phim), tháng 8 – mùa nghỉ hè (6 phim) và tháng 12 – mùa lễ hội (5 phim).
PHIM TÌNH CẢM, HÀI VẪN CHIẾM TUYỆT ĐẠI ĐA SỐ
Xét về thể loại, số lượng phim hài đang chiếm nhiều nhất (22 phim) rồi đến phim tình cảm (20 phim). Tiếp đó là phim tâm lý (10 phim), phim hành động (7 phim), phim gia đình (5 phim). Lưu ý là có nhiều phim được xếp ở nhiều thể loại khác nhau. Một vài năm trước, các nhà làm phim Việt đua nhau làm phim kinh dị, tuy nhiên sang năm nay, xu hướng đó đã giảm. Chỉ có duy nhất một phim Việt thuộc thể loại Horror ra mắt trong năm nay là Xưởng 13 của đạo diễn Phan Minh. Rất đáng ngợi khen một số phim như Cạm Bẫy, Ống Kính Sát Nhân, Dream Man thử sức ở thể loại thriller vẫn còn khá mới mẻ ở nước ta. Phim Mùa Viết Tình Ca là phim ca nhạc hiếm hoi của Việt Nam được sản xuất trong năm nay và được chiếu rạp. Đi Tìm Phong – bộ phim tài liệu về người chuyển giới – cũng là một trường hợp đặc biệt tạo được hiệu ứng truyền miệng, kéo rất nhiều khán giả đến rạp xem. Đáng tiếc nhất là Việt Nam năm nay chỉ có duy nhất một phim thuần thiếu nhi ra mắt khán giả. Đó là: Mặt Trời Con Ở Đâu của đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn. Thiếu nhi là đối tượng được nghỉ 3 tháng hè và luôn cần được giải trí nhưng lại có quá ít phim để xem. Thông thường một em thiếu nhi ra rạp thì đi kèm với ít nhất một hoặc hai phụ huynh. Đây thực sự là một nhóm đối tượng tiềm năng mà phim Việt nên hướng tới nhiều hơn.
XU HƯỚNG PHIM THANH XUÂN VƯỜN TRƯỜNG, PHIM RETRO VÀ PHIM REMAKE
Sau thành công lớn của Cô Gái Đến Từ Hôm Qua và Em Chưa 18, điện ảnh Việt liên tục sản xuất những bộ phim về thanh xuân vườn trường. Tính riêng trong năm nay, chúng ta có 6 phim về chủ đề này: Tháng Năm Rực Rỡ, Hạ Cuối Tình Đầu, Ngốc Ơi Tuổi 17, Thạch Thảo, Em Gái Mưa và Trường Học Bá Vương. Xu hướng retro, lấy bối cảnh xưa cũ, tạo cảm giác vintage vẫn tiếp tục duy trì với Tháng Năm Rực Rỡ hay Song Lang. Trào lưu remake vẫn tiếp tục được phát huy. Tuy nhiên chỉ có Tháng Năm Rực Rỡ (remake của Sunny) là gặt hái được thành công. Phim Ông Ngoại Tuổi 30 (remake từ Scandal Makers) và phim Yêu Em Bất Chấp (remake từ My Sassy Girl) đều thất bại nếu không muốn nói là thảm họa. Gần như tuyệt đại đa số phim Việt chọn phim Hàn để remake. Có lẽ những bộ phim tình cảm hài duyên dáng của Hàn vẫn phù hợp hơn với thị hiếu của khán giả Việt. Tuy nhiên, nếu biên kịch và đạo diễn không chắc tay, không Việt hóa được tác phẩm một cách nhuần nhuyễn, sản phẩm vẫn rất dễ thất bại.
PHIM ĐẠT DOANH THU CAO NHẤT: SIÊU SAO SIÊU NGỐ
Tính đến thời điểm hiện tại, có 4 phim lọt vào top 10 phim Việt ăn khách nhất là Siêu Sao Siêu Ngố, Chàng Vợ Của Em, Lật Mặt 3 và Tháng Năm Rực Rỡ. Cả bốn phim đều có doanh thu hơn 85 tỷ đồng – một con số mà vài năm trước, không nhà làm phim nào dám mơ đến. Xếp đầu bảng là Siêu Sao Siêu Ngố của đạo diễn Đức Thịnh với doanh thu hơn 100 tỷ. Mặc dù không được đánh giá quá cao về chất lượng, phim vẫn ăn khách bất ngờ có lẽ nhờ chất hài cùng chất ngôn tình phù hợp với thị hiếu khán giả dịp tết đến xuân về. Ngoài ra, cũng không thể phủ nhận sức hút của Trường Giang, diễn viên chính của phim. Bên cạnh đó, khá nhiều phim Việt bị lỗ nặng như Xưởng 13, Yêu Đi Rồi Biết…Theo chuyên gia điện ảnh Lê Hồng Lâm, cứ một phim thắng thì có 5, 7 phim chết.
MỘT VÀI ĐIỂM ĐÁNG CHÚ Ý KHÁC
Truyền thông cho phim Việt cũng là một đề tài được bàn tán nhiều trong năm nay. Thảm họa truyền thông thuộc về Chú Ơi Đừng Lấy Mẹ Con vì vụ lùm xùm phim giả tình thật giữa An Nguy và Kiều Minh Tuấn. Truyền thông đầu tư nhất có lẽ thuộc về Người Bất Tử của đạo diễn Victor Vũ (có cả sách ảnh). Truyền thông thành công nhất là Tháng Năm Rực Rỡ và lạc quẻ, đáng tiếc nhất, chính là Song Lang. Theo ý kiến người viết, Song Lang cũng là phim có chất lượng tốt nhất năm nay. Các phim khác cũng xứng đáng được ngợi khen là: Chàng Vợ Của Em, Nhắm Mắt Thấy Mùa Hè, Tháng Năm Rực Rỡ, Vai Diễn Đổi Đời…Những gương mặt ấn tượng nhất trên màn ảnh rộng là: Liên Bỉnh Phát, Thanh Tú, June Vũ, Hoàng Yến Chibi và Phương Anh Đào.
Thực hiện: Anh Trâm