1988, sau những thành công đầu tiên từ thuở chập chững vào nghề, dưới sự giới thiệu của vị giám đốc thời trang Bloomingdale’s, Marc Jacobs đặt chân vào thương hiệu Perry Ellis tiếp quản vị trí thiết kế mặt hàng đồ nữ. Và rồi, những thăng trầm trong sự nghiệp thiết kế của Marc thập kỉ 90 và những năm sau đó đã sớm trở thành những mảnh ghép biến chuyển đầy xúc cảm về mối duyên nợ của vị hoàng tử với cô nàng thời trang.
Bao trùm lịch sử thập kỉ 90 là cuộc khủng hoảng do tác động của chiến tranh triền miên và sự suy thoái của nền kinh tế, dẫn theo giai đoạn anti-fashion của một thế hệ mới lớn mang trong mình tư duy bài trừ chủ nghĩa hưởng thụ từng là tuyên ngôn sống để đời của giới trẻ 10 năm trước đây. Sắc màu neon rực rỡ của những đêm tiệc tùng rời ngôi cho bảng màu trung tính thống trị sàn catwalk trên nền thiết kế mang âm hưởng tối giản (minimalist) phần nào khắc hoạ nét xung đột và tinh thần ảm đạm thời bấy giờ. Giữa không gian lao đao ấy, grunge (1992) của Marc Jacobs chào đời trên sân khấu của Perry Ellis.
GRUNGE, 1992
Giới học thuật từ chối grunge (phong cách khắc hoạ lối trang phục của lớp người tầng thấp trong xã hội) như một lần lầm lỡ trong lịch sử thời trang Mĩ. Nhưng ít ai ngờ rằng phía sau những chiếc mũ len dệt kim tuềnh toàng phối với đôi boot Doc Marten, đầm rũ già cỗi cùng chiếc áo phông ca-rô cáu bẩn là những ý niệm căn bản và đơn sơ của Marc về nghệ thuật thiết kế. Thoát li những món hàng thời trang được lãng mạn hoá từ sự thật không hề hào nhoáng, bỏ ngoài gượng ép từ Perry Ellis, nét bất cần “bết bẩn” đậm chất grunge của riêng Marc Jacobs ra đời để tìm đến tiếng nói chung trầm cảm của giới trẻ thập kỉ 90. Và mặc dù sau đó không lâu Marc cắt đứt hợp đồng với thương hiệu Perry Ellis, cùng những mũi kim “grunge is ghastly” (tạm dịch: grunge khủng khiếp) đến từ nhà phê bình người Anh Suzy Menkes (phóng viên tờ International Herald Tribune), grunge vẫn là một dấu mốc thăng trầm trong sự nghiệp thiết kế của Marc Jacobs. Sau này, chính bản thân Marc từng không ít lần chia sẻ với báo giới về tình cảm của mình với grunge: “Bộ sưu tập dành được nhiều sự chú ý và đem đến một điểm nhìn tươi mới và trẻ trung”, Marc nói, “và tôi tin điều mình làm là đúng”.
LOUIS VUITTON, 1997
Không lâu sau sự kiện grunge (1992), Marc Jacobs cùng đồng nghiệp của mình là Robert Duffy xây dựng thương hiệu Marc Jacobs và sớm đạt được thành công lớn. Năm 1997, Marc Jacobs chính thức về nhận chức Giám đốc Sáng tạo tại Louis Vuitton. Đây cũng là thời điểm các NTK trẻ như Alexander McQueen, John Galliano hay Nicolas Ghesquière được các nhà mốt danh tiếng Givenchy, Christian Dior và Balenciaga đưa lên làm quân bài chiến lược, kế nhiệm trọng trách quan trọng trong cuộc chạy đua thương hiệu của ngành công nghiệp thời trang đang ngày một khắc nghiệt. Một năm sau, vào tháng 3 năm 1998, Marc Jacobs chính thức đưa Louis Vuitton bước chân vào phân khúc thị trường thời trang ứng dụng (ready-to-wear) bằng BST đầu tay của mình, kiêu hãnh sánh cùng với các ông lớn như Chanel, Valentino và Yves Saint Laurent.
16 năm tận tuỵ với Louis Vuitton, Marc Jacobs kế thừa những di sản tuyệt mĩ của đế chế 160 năm tuổi nhưng đồng thời khéo léo thêm thắt dấu ấn tinh tế bằng những dự cảm và ý niệm của một nhà thiết kế thuộc “thế hệ vàng” của những năm cuối cùng thế kỉ XX. Từ một thương hiệu sản xuất đồ da, Marc Jacobs đã thêm thắt và biến hoá các mẫu thiết kế bằng tài năng của mình, biến Louis Vuitton trở thành nhà mốt điển hình trị giá 5 tỉ đô la Mỹ. Bằng tầm nhìn sắc bén cùng khả năng tư duy nhanh nhạy, sự kết hợp giữa Marc Jacobs và Stephen Sprouse (và sau này là Takashi Murakami và Yayoi Kusama) để tạo ra những chiếc túi mang hoạ tiết graffiti đình đám đã khơi nguồn cho rất nhiều những giá trị sáng tạo trẻ trung, nổi loạn nhưng không kém phần sang trọng suốt những năm sau đó.
TRỞ VỀ VỚI MARC JACOBS, 2013
Marc Jacobs trở về với chính Marc Jacobs vào mùa thu năm 2013, sau 16 năm duyên nợ với Louis Vuitton, để lại chiếc ghế đầu cho chàng hoàng tử Nicolas Ghesquière, nguyên Giám đốc Sáng tạo của Balenciaga. Một mặt, việc ra đi sẽ giúp Marc Jacobs trở về toàn tâm ý xây dựng thương hiệu thời trang mang tên mình, mặt khác, đối với Louis Vuitton, trong bối cảnh chuyển giao xu hướng thiết kế đề cao tinh thần thực dụng nhằm đảm bảo lợi ích kinh tế cơ bản nhất của ngành công nghiệp thời trang, thì sự ra đi này có lẽ là điều cần phải làm. “Tôi có một khoảng thời gian bất ổn định và trầm cảm [sau khi rời Louis Vuitton]”, Marc chia sẻ, “Nhưng tôi tin tưởng và tôn trọng Nicolas Ghesquière. Tôi nghĩ Louis Vuitton muốn có một sự thay đổi, và thay đổi là cần thiết. Sẽ rất tệ nếu [chọn] ai đó làm những điều tương tự như tôi đã làm. Nhưng Nicolas làm được những điều của riêng anh ấy.”
Trở về với thương hiệu của riêng mình, Marc Jacobs trong suốt hơn một năm qua đã làm được nhiều điều kì diệu. Marc hợp nhất hai dòng sản phẩm Marc Jacobs và Marc by Marc Jacobs để đưa giới ái mộ thời trang đến một tinh thần đồng nhất giữa các ý niệm thiết kế từ cùng một bản thể, và biến thương hiệu của mình gần gũi hơn với người tiêu dùng về mặt giá thành. Những cô nàng Marc Jacobs lấp lánh trong những chiếc đầm thêu đính cùng những bộ sưu tập ánh kim và lông thú rực rỡ một lần nữa bước lên sàn thời trang như một lời tâm sự với giới mộ điệu, rằng Marc Jacobs bây giờ đã ổn.