sanhdieu.com.vn

Phim truyền hình Việt Nam: Vị vua tìm lại ngôi báu

Phim truyền hình Việt Nam quả thực đang tìm lại ngôi báu của mình với những bộ phim gây ấn tượng mạnh trong năm 2015-2016. Đó là thứ ngôi báu từng được dựng lên, rồi từng mất đi trong những buổi giao thời…

Thập kỉ vàng son

Nửa cuối thập niên 90 và năm năm đầu thể kỉ 21 có thể coi là giai đoạn vàng của phim truyền hình Việt Nam, bởi quãng thời gian ấy đã cho ra đời những bộ phim, những gương mặt nghệ sĩ đã trở thành kí ức của cả một thế hệ.

Mẹ chồng tôi (1994), Gió qua miền tối sáng (1998), Người đẹp Tây Đô (1996), Đồng tiền xương máu (1999), Cảnh sát hình sự (1997 – )… những cái tên được nhắc đến và yêu thích cho tới tận ngày hôm nay. Tất nhiên không phủ định việc sự thiếu thốn các phương tiện truyền thông giải trí cũng như hạn chế về cơ sở hạ tầng khiến khán giả gắn bó với truyền hình như một kênh giải trí nhanh chóng và hiệu quả, nhưng những bộ phim truyền hình thời kì này thu hút khán giả còn bởi nó phản ánh đúng đắn và chân thật diện mạo của xã hội đương thời.

Khuchatmattroi

Diện mạo ấy hiện lên qua chân dung những con người, những số phận trong thuở giao thời thật giả nhá nhem. Cuộc sống mới, quan hệ mới, những hệ giá trị mới hình thành trên nền tảng văn hóa cũ đang mất đi trở thành chủ đề yêu thích được các đạo diễn khai thác trong một thời gian dài. Những bộ phim truyền hình giai đoạn này đã làm rất tốt công việc tái hiện một cách chân thực quang cảnh đất nước trong giai đoạn chuyển mình của lịch sử, trong cả hai mảng đề tài nông thôn và thành thị. Ta thấy được trong các bộ phim một thứ không khí riêng có, hoài cổ và đầy nhớ nhung như cảnh làng quê trước đổi mới trong Đất và người (2002) hay câu chuyện xây dựng nông thôn mới trong Người thổi tù và hàng tổng (2001). Xa khỏi những vùng nông thôn “lắm người, nhiều ma”, nhịp sống đô thị ồn ào với những giá trị bị đảo lộn cũng được lưu giữ lại trong những Chuyện phố phường (2001) hay Mùa lá rụng (2001). Chiến tranh cũng là một đề tài thường thấy nhưng chủ yếu khai thác ở khía cạnh hậu chiến như Mẹ chồng tôi (1994) hay Đồng quê xào xạc (2001)…

Đặc biệt đây cũng là giai đoạn nở rộ của những bộ phim dành cho đối tượng thanh thiếu niên hay học sinh – sinh với những cái tên nổi bật như Đội đặc nhiệm nhà C21 (1998), Xin hãy tin em (1998) hay Phía trước là bầu trời (2001).

Quãng nghỉ để tự thay đổi mình

Sau năm 2005, khi truyền hình dần mất đi ngôi vị độc tôn trước các phương tiện giải trí mới khác, “hàng Việt” buộc thoái lui trước cơn bão văn hóa Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản đổ bộ, phim truyền hình Việt Nam trên kênh sóng đài truyền hình quốc gia cũng rơi vào giai đoạn im hơi lặng tiếng. Những cái tên ít ỏi xứng đáng đại diện cho giai đoạn này gồm Ma làng (2007), Luật đời (2007), Ngõ lỗ thủng (2009)…

Nguyên nhân của sự ì trệ này không chỉ do sự thay đổi trong thị hiếu nghe – nhìn – xem của phần lớn khán giả, vốn bị ảnh hưởng bởi phong cách làm phim tươi trẻ, hào nhoáng phục vụ số đông từ các nền điện ảnh truyền hình lân cận, nó còn đến từ sự chậm chạp của những nhà làm phim trong việc thích ứng với thời kì mới. Những câu chuyện của quá khứ hai mươi năm trước hay đấu tranh chống tiêu cực trong xã hội đã không còn là niềm yêu thích của khán giả xem truyền hình.

Thời điểm này cũng đánh dấu sự khai sinh và phát triển mạnh mẽ vài năm sau đó của dòng phim tình cảm tâm lý xã hội nắm bắt kịp thời và theo sát hơn với xu hướng xem – nghe – nhìn của khán giả đương thời, những cũng không ghi lại được dấu ấn mạnh mẽ cho khán giả.

TuoiThanhXuan

Vị vua tìm lại ngôi báu

Hướng tới xây dựng diện mạo mới trẻ trung với những đầu tư cần thiết vào phần tạo hình của diễn viên cũng như công nghệ sản xuất, giờ đây các nhân vật trong phim truyền hình Việt Nam trông cũng bảnh bao hoặc xinh đẹp không kém gì những nam nữ diễn viên ngoại quốc mà giới trẻ đang hâm mộ. Cũng rất lâu rồi từ cái thời Trần Lực, Chiều Xuân hay Lê Công Tuấn Anh, khán giả trẻ mới có những cái tên diễn viên truyền hình được yêu thích như Hồng Đăng hay Nhã Phương.

Tựa mưa rào sau nắng hạn, 2015 là một năm rực rỡ với phim truyền hình Việt Nam khi mọi nỗ lực thay đổi và tự nâng cấp đã có kết quả. Nửa đầu 2015, Tuổi thanh xuân trở thành một cái tên hot không kém cạnh các series phim truyền hình Hàn Quốc chiếu cùng thời điểm. Tuổi thanh xuân được biết đến rộng rãi, không chỉ bởi nó là một bộ phim hợp tác giữa Việt Nam và Hàn Quốc – dẫn đến một hệ thống truyền thông rầm rộ, nó còn thỏa mãn được mọi nhu cầu của khán giả trẻ với một bộ phim truyền hình: nhân vật có tính cách, ngoại hình ưa nhìn, bối cảnh đẹp, và hơn hết, một chuyện tình trẻ trung như cũng không ít dằn vặt.

Tiếp theo 2015, 2016 hứa hẹn sẽ tiếp tục là một năm nhiều tin vui cho phim truyền hình Việt Nam, khi liên tiếp các dự án mới được giới thiệu và quảng bá rầm rộ. Những cái tên đã được biết đến trong nửa đầu 2016 gồm Khúc hát Mặt trời – bộ phim được sản xuất theo công thức đã làm nên thành công của Tuổi thanh xuân, bao gồm cả Nhã Phương; Những ngọn nến trong đêm – phần 2 với tham vọng lấp đầy quãng thời gian 14 năm sau khi phần 1 kết thúc, và cuối cùng là phần 2 của Tuổi thanh xuân.

Người ta hay nói “người khôn nói lắm dẫu hay cũng nhàm”. Nhưng có lẽ cả khán giả Việt Nam và các vị đạo diễn phim truyện vẫn dành rất nhiều tình cảm và ưu ái với những bộ phim hay công thức làm phim yêu thích của họ trong năm 2016 này.

 Anh Phan

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on linkedin
LinkedIn

Bài viết liên quan

Zalo
0908.335.898