Để nghĩ về một nhà thiết kế đại diện cho linh hồn New York, hẳn sẽ có những người không chần chừ gọi tên Donna Karran, người phụ nữ mang trong mình khả năng thêu dệt nên những dáng hình xa xỉ tuyệt mỹ lấy cảm hứng từ chính năng lượng của một kinh đô được mệnh danh không bao giờ chìm vào giấc ngủ.
Chân dung nhà thiết kế Donna Karan
Trong một ngày đầu tháng 10 năm 1948 tại Forest Hills của thành phố “quả táo” New York, Donna ra đời với cái tên nguyên thủy là Donna Ivy Faske. Ngay từ những năm đầu thiếu thời, Donna đã sớm đắm mình trong đầy ắp hình ảnh của thế giới thời trang đẹp đẽ và xa xỉ. Vì sao ư? Hẳn nhiên là vì cha của Donna là một nhà may suit và mẹ của cô, Helen “Queenie”, là một người mẫu. Những ý niệm cơ bản nhất của thế giới lụa là vải gấm cùng một miền kinh đô New York quê hương nơi cô sinh ra đã sớm ăn sâu vào Donna, báo hiệu tương lai cho một nhà thiết kế đỉnh cao của hàng loạt những thương hiệu lớn tiếng.
Ảnh hưởng từ gia đình là điều hiển nhiên. Donna bỏ học ở tuổi mười bốn và bắt đầu công việc tại một cửa hàng bán quần áo tại địa phương. Một vài năm sau đó, Donna nhập học tại trường Thiết kế Parsons, nơi mà những tên tuổi cùng thời hay sau đó như Tom Ford, Marc Jacobs và Alexander Wang đều đã mài qua quãng thời gian “kinh sử”. Sớm thể hiện tố chất thiết kế bản sinh, Donna Karan thăng hoa trong thành công ngay khi ở trường với vị trí nhà thiết kế liên kết với nhãn hàng Anne Klein. Năm 1984, Donna Karan chính thức đặt tên mình trên bản đồ thời trang thế giới.
Nhưng tại sao lại là năm 1984? Đơn giản thôi. Donna Karan đã làm một điều thật sự có giá trị đối với vẻ đẹp của những người phụ nữ thời ấy.
Donna Karan cùng gia đình nhỏ của mình
BẢY MẢNH GHÉP GIẢN ĐƠN
Thập kỉ 80 là thời điểm quan trọng nơi công sở khi vị thế quyền lực của những người phụ nữ lúc này được đẩy lên đáng kể. Họ giờ đây nắm giữ những vị trí quản lý quan trọng. Đương nhiên, những quý cô công sở cần nhiều hơn những bộ trang phục phù hợp với tính chất và vai trò công việc của mình. Donna Karan khi này ra mắt “Seven Easy Pieces”.
“Seven Easy Pieces” được giới mộ điệu khi ấy tôn vinh là một hệ thống hoàn hảo trong tủ trang phục của phụ nữ đương thời. Mục tiêu của bộ sưu tập là tối giản các chi tiết thiết kế cho người phụ nữ hiện đại nhưng vẫn không mất đi tính duyên dáng và thanh lịch của thời trang. Với gam đen nữ quyền chủ đạo, trên mã chất liệu jersey và cashmere cao cấp, những người phụ nữ của Donna Karan hiện lên quyền uy mạnh mẽ nhưng không kém vẻ bí ẩn và thanh thoát. Chính Donna Karan đã giúp những người phụ nữ quyền lực cảm thấy tự tin hơn với những mẫu thiết kế đề cao tính ứng dụng, tiện lợi và trên hết giúp họ dễ dàng thể hiện quan điểm và chính kiến của mình.
Ngôn ngữ thiết kế của Donna Karan định vị một hình ảnh xuyên suốt về một kỉ nguyên đô thị hiện đại nhưng tràn ngập tính nữ. Những đam mê và kiến thức về chất liệu ngay từ những năm làm việc tại Anne Klein được Donna Karan khéo léo kết luận trong ADN của mình về những tấm vải mềm mại nhưng co giãn và ôm tạc cơ thể. Tinh thần New York sang trọng và huyền bí được lựa chọn trong bảng màu đen, beige và xám. Nước hoa, giày và cả phụ kiện đều là những minh chứng hoàn hảo cho tư duy mỹ cảm của Donna Karan. Những điều kể trên ấy, đúc kết hoàn hảo trong thương hiệu Donna Karan New York mà Donna sáng lập.
BƯỚC NGOẶT CỦA MỘT TÂM HỒN ĐẸP
DNKY, một nhánh của Donna Karan New York, được Donna sáng lập vào năm 1989 ngay khi bà nhận ra tầm quan trọng của việc phát triển một dòng hàng với mức giá vừa phải nhưng đảm bảo những giá trị thời trang. Sự thành công của “Seven Easy Pieces” năm 1985 cùng việc phát triển thành công chất liệu vải co giãn năm 1987, mang trở lại trên các sự kiện danh giá quốc tế đôi vai trần và trở thành nhà thiết kế Mỹ đầu tiên mở cửa hiệu tại Trung Quốc là những điểm hoàn hảo minh chứng cho sự tinh nhanh và khéo léo của Donna Karan. Thành công đến nhường vậy, mà vào năm 2001, Donna nhượng quyền DNKY cho ngài lớn LVMH với mức giá gần $650 triệu dù tại thời điểm này, bà vẫn giữ ngôi quản lý và thiết kế, đồng thời nhận được lời đề nghị của LVMH lập ra Donna Karan International là thương hiệu kết hợp giữa Donna Karan New York và DKNY. Từ năm 2002, bà tách dần những hoạt động của mình trước khi chính thức rời thương hiệu mà mình gây dựng vào năm 2015. Sự ra đi của Donna Karen đã khiến làng thời trang thế giới phải sững sờ một thời gian.
Quả thật thì, một phần lớn số tiền chuyển nhượng DKNY cho LVMH đã được Donna Karen dùng để ủng hộ cho các trường học, bệnh viện và nhiều tổ chức phi chính phủ. Và trong những lần sững sờ bởi sự vụ ra đi đầy rẫy để lại những ngai vàng quyền lực trống trải và những chuyện kể hành lang thêu dệt những mâu thuẫn giữa các giám đốc sáng tạo và chủ sở hữu thương hiệu, Donna Karen vẫn dành những lời có cánh cho bộ đôi thiết kế mới của DKNY là Dao – Yi Chow và Maxwell Osborne. Ngay chính giờ đây, Donna Karen đã có thể dành toàn tâm ý cho dự án Urban Zen và D.O.T tập trung vào những giá trị văn hóa và hỗ trợ tài năng thiết kế mà mình đã ấp ủ từ rất lâu. Donna Karen hẳn đã cảm thấy mình mãn nguyện.
Người mẫu My Christy Turlington mặc chiếc váy của Donna-Karan
Donna Karan với những người mẫu trong các trang phục thuộc BST DKNY Xuân 1989 tại Quảng trường Thời đại.
Hình ảnh chiến dịch quảng cáo năm 1994 của DKNY chụp bởi Peter Lindbergh
Người mẫu mặc thiết kế bodysuit của Donna Karan trong show năm 1986
Chiếc bobysuit, chiếc áo vest, chiếc váy, chiếc áo len cashmere, chiếc áo khoác da, quần và một bộ tiệc đêm là bảy mảnh ghép kinh điển của “Seven Easy Pieces”
Barbra Streisand (khi 70 tuổi) hát The Way We Were trong mẫu đầm tiệc do Donna Karan thiết kế
Thiết kế Pre-Fall 2013 của DNKY