sanhdieu.com.vn

Shanghai – Đi tìm soái ca

Thành phố này trong tôi tràn ngập hình ảnh về những cuộc tình, những chia ly day dứt thường xuất hiện trong truyện ngôn tình. Và bằng một cách khó hiểu nào đó, tôi đã yêu nơi này, với một tình yêu mơ hồ, khó lý giải, ngay cả khi còn chưa đặt chân tới. Chúng bạn thường nói đùa rằng, chuyến đi của tôi, là chuyến hành trình đi kiếm những soái ca… Ừ thì, đi tìm soái ca!

Trước khi tới Thượng Hải, với tôi, nơi này thật nhiều ảo mộng, là thành phố của Hà Dĩ Thâm Triệu Mặc Sênh trong “Bên nhau trọn đời”, của những bộ phim dân quốc buồn man mác từng lấy đi nước mắt của người xem chừng mươi năm trước, của khu Phố Đông hiện đại, sáng đèn tới khuya – nơi Lục Lệ Thành và Tô Mạn của “Thời gian đẹp nhất” làm việc, của con sông Hoàng Phố gắn liền với lịch sử binh biến Trung Hoa, của bến Thượng Hải từng là nơi giao tranh giang hồ của biết bao anh hùng tứ chiếng.

DSC_2458

Chúng bạn thường nói đùa rằng, chuyến đi của tôi, là chuyến hành trình đi kiếm những soái ca… Ừ thì, đi tìm soái ca!

Tôi đến Thượng Hải một ngày mùa thu, thứ mùa thu đúng nghĩa mà rất lâu rồi một cô gái Hà Nội như tôi không còn được thấy nữa. Đó là ngập trong gió bạc hà và nắng mật ong, ấm áp và ngọt ngào. Sau chuyến tàu Maglev từ sân bay quốc tế Pudong với tốc độ 430 km/h, nhanh như một cơn gió, chúng tôi có mặt ở Thượng Hải.

Trong cái lạnh se se của thành phố ôn đới khi chiều xuống, đang lếch thếch kéo theo vali trên vỉa hè lọc xọc, chưa biết mình sẽ đi đâu về đâu ở cái xứ sở không Google, không Facebook và không cả English này, tôi được một ông cụ tiến tới hỏi han, chỉ dẫn tận tình, tuyệt vời như một ông Bụt. Ông dắt theo con chó samoyed trắng muốt, kiêu kỳ và đỏm dáng. Nó thậm chí còn có tên đầy đủ như người, mang họ ông chủ. Có lẽ do quá quen với việc có fan hâm mộ mà khi được chủ ra lệnh, nó đứng tạo dáng điệu đà cho tôi chụp hình.

DSC_1892

Thượng Hải trong tôi bắt đầu như thế, chưa thấy bóng dáng soái ca mà chỉ thấy rất ấm lòng, như được chào đón trở về nhà.

Tôi chọn cho mình một cách khám phá thành phố này rất riêng, không mua tour, không smartphone, chỉ mang theo một tờ bản đồ và cứ thế đi, vừa đi vừa hỏi, vừa đi vừa khám phá. Có lẽ bởi thế mà hình dung về nơi này chẳng giống như những đoạn phim quảng cáo du lịch, tôi thấy một Thượng Hải rất khác.

Hóa ra, khu Phố Đông chẳng xa hoa, nhiều đèn đóm như tôi vẫn nghĩ, mới đến 9h tối mà chỉ còn một nửa số đèn được bật, tháp Đông Phương Minh Châu trong “truyền thuyết” không phải cuối tuần thì chỉ sáng đèn theo chu kỳ vài tiếng một lần.

DSC_2153

Tôi thấy một Thượng Hải chậm rãi theo guồng xoay xe đạp của cư dân khu phố cũ. Nó cũ kỹ nhưng là thứ cũ kỹ sang trọng của những tòa nhà dọc Tô giới Pháp, được xây kiểu Âu chuẩn mực, sạch sẽ không một mảng tróc lở, là hàng cây ngô đồng chạy dọc tất cả các tuyến phố, đều tăm tắp như kẻ chỉ. Tôi phải thốt lên với bạn đồng hành rằng: ‘Em thấy Thượng Hải thân quen quá, giống Hà Nội của em quá, nhịp sống nơi ồn ào thì rất ồn ào, nơi lạc hậu thì thật lạc hậu”.

Trong một buổi chiều ngập nắng, đi dọc con đường Sinan vắng vẻ, tôi đã nghĩ vu vơ rằng, liệu trăm năm trước, Tâm Vũ của “Thượng Hải ngày sương mù”, Lãnh Thanh Thu của “Kim phấn thế gia”, Y Bình, Như Bình của “Tân dòng sông ly biệt” có từng sống ở đây không, có đi trên con đường này không. Dường như trăm năm qua, thời gian chẳng buồn ghé qua nơi này.

DSC_1779

Đường Sinan có tư gia của cố Thủ tướng Chu Ân Lai, mở cửa miễn phí nhưng được canh phòng cẩn trọng. Căn biệt thự đẹp không từ nào tả nổi. Diện tích vừa đủ, không chật không rộng, giàn cây dây leo phủ khắp tường nhà, nhìn xuống khu vườn nhỏ xinh. Tôi chợt nhớ tới căn phòng đọc sách của ông nội ở khu tập thể cũ ở Hà Nội, cũng bộ bàn ghế mây giản dị, cũng ô cửa sổ dọc ngang chia bóng nắng. Ấm áp và đầy nhớ thương.

Ngày cuối, chúng tôi tới phim trường Chedun – nơi quay hầu hết những bộ phim thời dân quốc của điện ảnh Trung Hoa, lạc bước giữa con phố với hai bên đường là nhà thờ, rạp hát theo kiến trúc của công trình có thật hồi những năm 30, thi thoảng lại giật mình bởi tiếng chuông leng keng của chuyến tàu điện chở theo những hành khách muốn ngược thời gian về quá khứ.

Thật bất ngờ khi nhận ra cây cầu Ngoại Bạch Độ nơi nàng Y Bình giận chàng Hà Thư Hoàn vì phụ tình mà nhảy xuống tự vẫn trong “Tân dòng sông ly biệt”, con ngõ lát gạch nơi họ trao nhau nụ hôn kinh điển dưới màn mưa, hay căn biệt thự Tứ Thiếu và Tịnh Uyển chung sống những ngày hạnh phúc ngắn ngủi trong “Không kịp nói yêu em”. Tất cả thân thương tới độ như gặp lại người quen sau thời gian dài xa cách.

Trên đường rời bỏ thành phố ngôn tình ra sân bay, trong đầu tôi cứ văng vẳng giai điệu buồn bã tới ám ảnh của ca khúc nhạc phim “Thượng Hải ngày sương mù” kinh điển năm nào:

“Con phố quạnh hiu, hiện ra trong sương khói mịt mù…
Bầu trời màu xám, những ánh đèn đường lay lắt
Tôi đứng giữa ngả đường, chào đón gió mưa không né tránh…

Có ai đó có thể cho tôi biết được không
Phải chăng em đã từng yêu tôi?
Phải chăng là do em còn cố chấp?”

Hình ảnh An Kỳ đứng ở bến Thượng Hải chờ A Lai trong vô vọng cuối phim khiến tôi cứ băn khoăn mãi về số phận những con người đi tìm tình yêu, số phận những con người ở thành phố này.

Rút cục, tôi cũng chẳng thể tìm cho mình một chàng soái ca nhưng đã hiểu vì sao những người yêu nhau hay tìm tới Thượng Hải bởi cá kẻ cũ kỹ, trầm mặc và lãng đãng của nó. Không còn mơ hồ như thưở ban đầu mà có lẽ, tôi đã thực sự yêu nơi này, yêu đến mê đắm, mộng mị.

Bài và ảnh: Nguyên Chi

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on linkedin
LinkedIn

Bài viết liên quan

Zalo
0908.335.898