Xét về dòng kim hoàn, “Signature de Chanel” là tạo phẩm đầu tiên thuộc dòng High Jewelry ứng dụng họa tiết chần bông của thương hiệu Chanel
Người mẫu đeo trên cổ chiếc vòng Signature de Saphir với điểm nhấn là viên ngọc màu xanh gợi cảm giác sang trọng và thanh thoát
Quay trở về Tháng Hai năm 1955, nhà sáng lập thương hiệu Chanel giới thiệu mẫu túi xách 2.55 bằng chất liệu da mềm may theo lối chần bông, tức những đường hình học đan chéo, song song gợi liên tưởng đến chiếc áo khoác của giới đua ngựa, làm nức lòng giới mộ điệu khi ấy. Chỉ là chuyện sớm muộn để motif chần bông trở thành một trong những di sản trứ danh, hầu như xuất hiện mỗi năm trong các sáng tạo của Coco Chanel và Karl Lagerfeld sau này.
Đôi tay của người thợ kim hoàn đang gọt giũa lại khuông dáng của họa tiết chần bông trứ danh
Cận cảnh các chi tiết của vòng cổ Signature de Saphir
Xét về dòng kim hoàn, “Signature de Chanel” là tạo phẩm đầu tiên thuộc dòng High Jewelry ứng dụng hoạ tiết chần bông của thương hiệu. Bốn mươi tám mẫu thiết kế thuộc bộ sưu tập, bao gồm vòng cổ, vòng tay và nhẫn đều được chế tạo khéo léo theo chính tâm tư mà Mademoiselle Chanel từng bộc bạch: “Bản thân sự thanh lịch, vốn nằm trong từng đường kẻ.”
Hình ảnh đối sách giữa chiếc vòng thực tế và bản vẽ minh họa
Khéo vừa vặn, những khối hình thoi khi xếp cạnh nhau, tạo thành “khớp” chuyển động liên hoàn giúp cho những tuyệt tác có thể ôm sát, uốn mượt theo đường cong cơ thể. Những thợ kim hoàn lành nghề đã dụng công trong việc sử dụng hai sắc độ đá azure blue sapphire (sapphire xanh dương) và aquamarine (ngọc xanh biển) nhằm tạo màu tương phản với độ sáng của hai chất liệu chính là vàng trắng và kim cương. Xà cừ và pha lê cũng được sử dụng trong các thiết kế lần này, nhằm làm tăng giá trị và tính thẩm mĩ của nữ trang cao cấp, để quả thật, “Signature de Chanel” trở thành tuyệt tác lưu giữ một trong những di sản trứ danh mà người phụ nữ tài năng trong lịch sử làng mốt đã để lại với thế giới.
Thực hiện: Vi Bách