Trên con đường tìm kiếm cơ hội việc làm, CV ứng tuyển luôn đóng vai trò then chốt trong quyết định của nhà tuyển dụng. Dù sở hữu nhiều kinh nghiệm và kỹ năng ấn tượng nhưng chỉ vì một chút lỗi nhỏ, thậm chí là sơ đẳng có thể khiến bạn “rớt đài” ngay lập tức. Đôi lúc bạn lầm tưởng rằng CV của mình càng nhiều thông tin thì sẽ càng có nhiều cơ hội hơn. Tuy nhiên, có những điều mà bạn không nên đưa vào để không bị mất điểm trong mắt nhà tuyển dụng, điển hình là 5 điều sau.
Những đoạn văn dài lê thê
Con người ngày nay thường ngại đọc những phần quá dài, chứ đừng nói đến nhà tuyển dụng phải xem xét hàng trăm bản CV khác nhau. Khi mẫu CV công việc của bạn chứa những đoạn văn dài dòng, họ có thể bỏ qua những thông tin quan trọng mà bạn muốn truyền tải. Thế nên, bạn cần giới hạn mỗi mục trong CV chỉ ở mức tối đa 4 gạch đầu dòng. Sau gạch đầu dòng thứ 4, sự tập trung của người đọc bắt đầu giảm đi và họ có xu hướng bỏ qua những thông tin ở phần sau đó. Vì vậy, hãy cân nhắc kỹ lưỡng để chọn ra thông tin quan trọng nhất và trình bày một cách rõ ràng, súc tích.
Đề cập đến “những gì bạn muốn nhận được”
Khi viết phần mục tiêu nghề nghiệp trong CV ứng tuyển, điều quan trọng là bạn nên tập trung vào những giá trị, khả năng mà bạn có thể mang lại cho nhà tuyển dụng, chứ không phải là những thứ mà bạn hy vọng sẽ được nhận. Các nhà tuyển dụng thường sẽ có ấn tượng tốt với những CV thể hiện được tinh thần đóng góp cho doanh nghiệp hơn là CV chỉ tập trung nói về bản thân ứng viên. Vì vậy, mục tiêu chính của bạn là cho thấy rằng bạn sẽ mang lại giá trị cụ thể cho công ty, chứ không chỉ là liệt kê phẩm chất hoặc mong muốn của bản thân.
Sử dụng thông tin mơ hồ
Thay vì chỉ liệt kê các công việc bạn đã từng làm, hãy cụ thể hóa những kỹ năng, phương pháp và thành tích mà bạn đã đạt được. Nhà tuyển dụng không chỉ quan tâm đến việc bạn đã làm những gì, mà họ muốn thấy rõ giá trị và kết quả cụ thể mà bạn mang lại. Vì vậy, hãy tập trung vào việc trình bày rõ ràng thành tựu của bạn ở mỗi vị trí công việc.
Ví dụ, thay vì chỉ viết “Viết nội dung trên fanpage, website công ty”, bạn có thể viết “Phụ trách tạo nội dung mỗi ngày 1 bài trên fanpage, website và lên kế hoạch nội dung mỗi tuần cho các kênh truyền thông của công ty, giúp tăng 15% lượt truy cập”. Cách này sẽ thể hiện cụ thể kỹ năng, trách nhiệm và kết quả cụ thể mà bạn đã đạt được.
Sử dụng từ ngữ hoa mỹ
Cần tránh sử dụng những từ ngữ quá hoa mỹ, bóng bẩy trong CV ứng tuyển. Thay vào đó, mỗi cụm từ bạn sử dụng nên trực tiếp thể hiện những kỹ năng, kinh nghiệm hay thành tựu cụ thể mà bạn đã đạt được. Ví dụ, thay vì sử dụng những từ ngữ bóng bẩy như “nổi bật”, “tuyệt vời”, “lớn lao”, bạn nên trình bày thông tin một cách ngắn gọn, súc tích và tập trung vào những ý chính.
Nhà tuyển dụng không cần những từ ngữ hoa mỹ, mà họ muốn thấy được những thông tin cụ thể về kỹ năng, kinh nghiệm và thành tích của bạn. Việc sử dụng ngôn từ quá hoa mỹ sẽ không giúp bạn tạo ấn tượng tốt, ngược lại còn khiến họ nghi ngờ về sự chân thực của những gì bạn trình bày.
Thay vì dùng những từ ngữ quá hào nhoáng, bạn hãy liệt kê cụ thể những gì bản thân đã làm, ví dụ như “Đạt giải thưởng Nhân viên xuất sắc của quý” hoặc “Tăng doanh số bán hàng 15% trong 3 tháng qua”. Những thông tin cụ thể như vậy sẽ giúp bạn tạo được ấn tượng tốt hơn với nhà tuyển dụng.
Đề cập đến lý do nghỉ việc ở công ty cũ
Nói đến lý do về việc nghỉ việc đồng nghĩa với việc bạn đang tự bào chữa cho bản thân và có thể làm lộ điểm yếu của mình. Điều này có thể làm cho nhà tuyển dụng xoáy sâu vào vấn đề tế nhị này trong quá trình phỏng vấn.
Thực tế thì thông tin về lý do nghỉ việc tại công ty cũ không phải là yếu tố quan trọng để nhà tuyển dụng quyết định có chọn bạn cho vị trí công việc đó hay không. Họ quan tâm nhiều hơn đến kỹ năng, kinh nghiệm và thành tích của bạn. Vì vậy, bạn không nên và cũng không cần thiết phải đưa ra lý do cụ thể nào cho những bước chuyển mình trong công việc. Hãy tập trung vào việc trình bày thông tin tích cực về bản thân, thay vì giải thích về vấn đề tiêu cực.
Tóm lại, bạn hãy dành thời gian để nghiên cứu, chắt lọc kỹ càng khi quyết định thông tin nào sẽ xuất hiện trong CV ứng tuyển. Bạn có thể đặt mình vào vị trí ứng viên cũng như nhà tuyển dụng để giúp CV hoàn thiện nhất. Hãy thể hiện cho nhà tuyển dụng thấy bạn có kỹ năng phù hợp và giúp họ dễ dàng đưa ra quyết định rằng bạn xứng đáng để dành thời gian để phỏng vấn nhé.
Hà Phương