Thời trang có thể lãng mạn, tinh nghịch, yêu kiều hay vô cùng sắc sảo, để phảng phất trong nó những câu chuyện tình kinh điển đã hớp hồn cả thế giới mê xi nê…
Điện ảnh và cảm xúc nâng đỡ nhau từ buổi đầu bình minh của nền nghệ thuật thứ bảy, và nuông chiều nhau trong giác quan ngay ở thuở ban sơ. Hồi tưởng lại những bộ phim kinh điển khi thời trang còn lững thững dạo từng bước đầu tiên trên Đại Lộ Danh Vọng, 50 hay 60 năm trước, khi các tín đồ phim ảnh xem Breakfast at Tiffany’s (1961) như một ngôi sao vàng chói sáng về câu chuyện tình Cinderella kinh điển trên màn bạc, các fashionista hẳn nhiên lại khắc ghi dáng hình chiếc Little Black Dress của nhà Givenchy thả suông trên cơ thể cô đào Audrey Hepburn như thể của hồi môn đắt giá trong cuộc hôn phối và khắc dấu một tuyên ngôn chủ quyền trong việc “bao thầu” chất liệu thị giác thoả mãn đại chúng thưởng thức. Không còn những hình ảnh thô mộc về những nhà du hành vũ trụ thuở Le Voyage Dans la Lun (1902), vượt lên hẳn khái niệm về phục trang hay thẩm mỹ đơn thuần, điện ảnh truyền tải những ý niệm về thời trang và nuôi dưỡng cảm xúc con người từ thị giác.
Cô đào Audrey Hepburn trong chiếc Little Black Dress của nhà Givenchy trong bộ phim Breakfast at Tiffany’s
Thập niên 1950 (và đến đầu 1960) có thể xem là một điểm nhấn của những thước phim tình yêu kinh điển mà tâm điểm là các quý cô thời thượng chọn cho mình những bộ váy couture yêu kiều thấm đượm tính biểu tượng để bước vào màn ảnh, khai quật hay nâng tầm những tên tuổi của ngành thời trang thế giới như Hubert de Givenchy, Coco Chanel hay Edith Head. Những minh tinh đương thời từ Audrey Hepburn, Grace Kelly cho đến Marilyn Monroe đều là những biểu tượng tình yêu của thế kỉ và là chất xúc tác hoà hợp hoàn hảo giữa thời trang và điện ảnh, đến độ khiến cho những lụa là gấm vóc trên màn bạc cũng hoá ngọt ngào như thể những viên kẹo đường toả ra trong khí chất của chính họ (Audrey, Grace và Marilyn).
Trải dài từ All About Eve (1950), Sabrina, Rear Window (1954) cho đến Funny Face (1957), không khó để nhận ra nguồn cảm hứng thời trang chuyển vần trong từng tác phẩm điện ảnh suốt chiều dài một thập niên. Nếu như All About Eve được ví như phiên bản khởi đầu của tác phẩm The Devil Wears Prada (2006) đình đám sau này, thì khuôn cảnh nàng Sabrina (Audrey Hepburn thủ vai) trong mẫu đầm trắng hai lớp hoạ tiết thêu khiêu vũ tại phòng tennis trong đêm đã trở thành khoảnh khắc vĩnh cửu đối với các tín đồ thời trang thế giới.
Sabrina của Billy Wilder vẽ nên một bức tranh thơ mộng về tình yêu trong những rung động tinh tế của cảm xúc, hoà quyện giữa những điều mơ ảo, mộng mị trong suy tư và những mâu thuẫn thực tế trong câu chuyện tình tay ba giữa cô gái nghèo bé nhỏ và người chủ của mình. Chất liệu trù phú trong câu chuyện đậm chất điện ảnh đã để ngỏ cho các NTK của Sabrina có cơ hội phô diễn sức sáng tạo và tài năng bậc thầy trong việc thể nghiệm những thiết kế mới và làm nền tảng cho mối quan hệ cộng hưởng giữa NTK – người nổi tiếng về sau mà ở đây là Hubert de Givenchy và Audrey Hepburn. Trên thực tế, mối quan hệ khăng khít giữa hai người đã được chính quý cô Audrey tán thưởng với báo giới không dưới một lần: “Chỉ những thiết kế của Givenchy mới làm tôi cảm thấy là chính mình. Hơn chả những người làm thiết kế, Givenchy chính là người có thể tạo nên tính cách.” Đến 1955, To Catch A Thief của đạo diễn tài năng Alfred Hitchcock đã góp phần lăng xê kiểu mẫu phụ nữ trong mái tóc vàng xoăn sóng điệu đà, rực rỡ son đỏ và những mẫu thiết kế biểu tượng The New Look của nhà Christian Dior qua sự biến hoá đầy cảm hứng của Edith Head. Thứ tinh thần kiêu hãnh của một quý tộc như Frances Stevens (Grace Kelly thủ vai) được truyền tải trọn vẹn chỉ qua một chiếc váy cocktail xanh-bạc làm từ lụa chiffton đi kèm với chiếc clutch ton-sur-ton đơn thuần mà không cần bất cứ một bản trang sức cầu kì hoa đính nào khác.
Vậy nhưng, ở một góc nhìn khác, mối quan hệ gắn bó giữa thời trang và điện ảnh còn mở ra một mối quan hệ nhánh rẽ giữa NTK thời trang và NTK phục trang không mấy dễ chịu. Xoay vần quanh câu chuyện thời trang trong nền điện ảnh của thập niên 1950, câu chuyện giữa Hubert de Givenchy và Edith Head vẫn còn để ngỏ nhiều câu hỏi, khi mà những thiết kế dành cho tủ phục trang dành cho nhân vật Sabrina của Givenchy vấp phải sự phản đối của chính chuyên gia thiết kế đình đám của hãng phim Paramount, hay chuyện kể huyền thoại Coco Chanel từ chối hợp tác với Gloria Swanson vì mâu thuẫn trong quan niệm thiết kế của cả hai người. Suy cho cùng, cả hai bên, NTK và đoàn làm phim, đều có những lối tư duy độc lập về quan điểm thẩm mỹ và cách thức hình tượng hoá nhân vật của chính mình. Và nên chăng điều cần phải làm là bỏ lại sau những tự tôn nghệ sĩ để tìm đến cái chung nhất trong câu chuyện của điện ảnh là cá tính của nhân vật.
Thời trang là một phần ngôn ngữ của điện ảnh, chính trong khuôn hình của điện ảnh mà thời trang được nuông chiều trong lối tư duy duy mỹ, để nhờ đó NTK khéo léo dùng cảm quan thẩm mỹ làm chất xúc tác đẩy nâng câu chuyện đến độ cao trào. Thời trang có thể lãng mạn, tinh nghịch, yêu kiều hay vô cùng sắc sảo, và phảng phất đâu đấy trong những câu chuyện tình kinh điển trên màn bạc là những tông màu pastel thuần khiết, tông đỏ quyến rũ hay màu đen tuyền đầy ẩn ý mà bất cứ một tín đồ yêu thời trang nào cũng phải tìm đến để thoả mãn niềm vui thú khi chứng kiến những mẫu trang phục mình yêu thích kể nên câu chuyện của chính nó.
THANH TÙNG