Thời trang đang thực sự thay đổi. Đó là điều đơn giản nhất để nghĩ về làng thời trang đương đại. Nhận định này vốn không chỉ nói về xu hướng See Now Buy Now hay cách thức trình diễn kết hợp giữa dòng hàng nam và nữ của các tuần lễ thời trang thế giới mà Burberry hay Tommy Hilfiger là hai ví dụ điển hình ở thời điểm hiện tại, mà hẳn nhiên còn bao hàm cả yếu tố con người.
Người mẫu trong BST Xuân Hè 2016 của Victoria Beckham
Không đơn giản là sự xuất hiện của những cái tên mới trong lĩnh vực thiết kế đến từ chính các thị trường tiêu thụ tiềm năng như Trung Quốc, Ấn Độ hay Trung Đông, thời trang đương đại chứng kiến sự ra mắt của những cái tên vừa lạ lẫm lại vừa quen thuộc. Nếu Guo Pei (Trung Quốc), Rami Al Ali (Syria) hay Ulyana Sergeenko (Nga) đều là những nhà thiết kế trẻ xuất hiện lần đầu trong tuần lễ thời trang cao cấp Haute Couture mùa gần đây, mang theo một làn sóng mới đa dạng những mẫu thiết kế nhấn đậm dấu ấn văn hóa khu vực để gián tiếp hay trực tiếp làm mới sàn catwalk, vốn tràn ngập các thiết kế couture đến từ những cái tên lão làng của Tây phương, thì giới mộ điệu lại ồ à trước một làn sóng khác hoàn toàn ngoại đạo, thổi theo một tư duy tiếp cận thời trang rất đỗi khác lạ.
Kanye West trong show ra mắt Yeezy Season 1 kết hợp với adidas
Thử làm một phép tính, không quá khó để kể ra những cái tên ca sĩ hay diễn viên đổi nghiệp trở thành một nhà thiết kế. Trải dài từ Selena Gomez đến Amy Winehouse, mối quan hệ giữa âm nhạc và thời trang trội lên mạnh mẽ trong vài năm trở lại đây, và mặc dù không phải ai cũng trở thành những cái tên có giá, xu hướng vắt chéo đường từ ngành A sang ngành B (mà ở đây là ca sĩ sang nhà thiết kế) đã trở thành xu thế được nhiều người ưa chuộng. Trước khi nhắc đến quý bà đỏng đảnh Victoria Beckham với tượng đài riêng ấn tượng trong ngành thời trang, không thể không kể đến huyền thoại hip-hop Wu-Tang Clan trong những năm 90 đã tạo ra một làn sóng thiết kế Wu-Wear. Khởi điểm, và phát triển cũng từ nhân vật mang tên Oli “Power” Grant vào năm 1995, nhà sản xuất và sáng lập Wu-Tang Clan này đã phát triển thương hiệu Wu-Wear đi theo tên tuổi của Wu-Tang Clan để tạo ra một điểm chung kết nối người hâm mộ và nhóm với các mẫu T-shirt, hoodies tràn ngập hình ảnh logo W tiêu biểu của nhóm, và theo lối bất ngờ thay, tác động đến nền văn hóa hip-hop nói chung, bốn cửa hàng mở ra ở New York, Los Angeles, Atlanta và Virginia, doanh số đạt 10 triệu đô la Mỹ vào năm 1998 và khơi nguồn cho những tên tuổi khác dõi theo như Puff Daddy, Busta Rhymes hay Jay Z. Rocawear của Jay Z cũng đã trở thành cú hit trong giới mộ điệu đầu năm 2000 với các thiết kế nhấn mạnh phong cách streetstyle với các đường cắt may đơn giản, sạch sẽ với các mẫu classic logo.
Logo W biểu tượng của Wu-Tang Clan được sử dụng nhiều trong các thiết kế quần áo
Lẽ tất nhiên là trong mắt nghệ sĩ, việc phát triển doanh thu dựa trên thời trang là một miếng bánh táo thơm ngon. Cái mà nghệ sĩ bán ra không đơn thuần là một tấm áo đẹp, mà là phong cách riêng và cái tên của chính họ cho cộng đồng fans. Điều này cũng là điểm thu hút các nhãn hàng khi hợp tác với người nổi tiếng khi họ đã có sẵn một “community” sẵn sàng mua những sản phẩm gắn mác thần tượng. Hãy nhìn David Beckham, Cristiano Ronaldo hay Lady Gaga, họ thành công thế nào với dòng nước hoa riêng hay các hợp đồng quảng cáo béo bở. Chiến dịch quảng cáo của Kenzo x H&M với sự xuất hiện của Rosario Dawson hay Chole Sevigny và đặc biệt là nữ rapper Việt Nam Suboi gây ấn tượng mạnh với giới mộ điệu không chỉ bởi việc sử dụng các influencers thuộc nhiều lĩnh vực và độ tuổi, mà còn khéo léo kết hợp yếu tố đa quốc gia của các KOI. Và rồi việc thiết kế trở thành một bước tiến mới để đem chất riêng của nghệ sĩ keo chặt cùng các sản phẩm họ đưa đến cho khách hàng.
Rihanna cùng cặp chị em Gigi và Bella Hadid trong show diễn Rihanna Puma x Fenty
Victoria Beckham vốn nổi tiếng là một biểu tượng thời trang với thân hình mảnh gầy đặc trưng. Trước khi đạt được thành công như hiện tại, Vic vật lộn với tham vọng tiến tới thời trang cao cấp trong khi những thiết kế bản sơ của mình vẫn còn thiếu sót. Alexander McQueen từng phản đối kịch liệt các thiết kế của phu nhân nhà Beckham, bài trừ Victoria ra khỏi danh sách khách hàng celebs trước khi cô được Anna Wintour hay Karl Lagerfeld công nhận sau nhiều nỗ lực. Giới mộ điệu giờ đây ái mộ các thiết kế có phần đơn giản, thanh lịch và chú trọng nhiều vào phom dáng và chất liệu, phối kết hoàn hảo giữa thời trang casual và high-end. Bắt đầu từ những chiếc váy, thương hiệu thời trang của Victoria đã được phân nhánh nhiều dòng hàng bao gồm cả phụ kiện với tính riêng các mẫu túi xách trong khoảng giá ấn tượng 18.000 đô la Mỹ.
Rihanna trong một thiết kế thú vị dành cho mùa Xuân Hè 2017 của Rihanna Puma x Fenty
Giới thời trang cũng từng chứng kiến cái bắt tay của nữ ca sĩ da màu Rihanna với nhãn hiệu thời trang quốc tế River Island vào năm 2013 cùng nhà thiết kế Adam Selman để đưa tư duy thời trang của chủ nhân bản hit “Work” đến với ngành công nghiệp thời trang: các mẫu thiết kế mạnh mẽ với họa tiết ngụy trang camo trong phom crop-top hay quần shorts ngắn. Trong năm nay, Rihanna Puma x Fenty được ví von là cuộc tái định nghĩa của cô đào da màu trong các mẫu thiết kế trang phục phòng tập của thương hiệu sportwear đến từ nước Đức. Bởi lẽ, những gì Rihanna làm là quá sức ấn tượng. Bộ sưu tập được phủ đầy trong những mẫu thiết kế mũ bóng chày bằng chất liệu satin, những dải dây buộc bằng ren phía trong những bộ jumpsuit hay mẫu áo parkas nhấn nhá họa tiết ấn tượng.
Hai mẫu giày Yeezy Boost 350 và 750 nhanh chóng trở thành trend ngay tại thời điểm nó ra mắt
Đương nhiên là những người nghệ sĩ làm thiết kế sẽ tạo ra một giá trị thương mại lớn. Nhưng cũng rất nhiều người hoài nghi về những sản phẩm họ tạo ra liệu có thành công về mặt thiết kế hay không. Thật khó để phủ nhận những gì Kanye West đã làm khi hợp tác với BAPE, Nike hay Louis Vuitton để tạo ra những đôi sneaker sớm thành hot trend ngay tại thời điểm ra mắt. Ví như đôi Nike Air Yeezy 1 hoặc Nike Air Yeezy 2 với giá bán lẻ trong khoảng hơn 200 đô la Mỹ nhưng đều sold-out từ rất sớm và nâng lên giá lên hàng ngàn đô la Mỹ sau đó. Nhưng để gọi những gì khác giày mà Kanye West đã làm trong Yeezy là thực sự thành công?
Rapper Suboi cùng dàn celebs khách mời trong chiến dịch quảng cáo của Kenzo x H&M trong năm 2016
Tất nhiên thì ý tưởng thể hiện show thời trang Yeezy thì rất ấn tượng. Nhưng ngôn ngữ thiết kế trang phục của Kanye thì khá lạ lẫm và khó để xem là thời trang cao cấp. adidas là một thương hiệu thời trang thể thao, và Kanye thì không phải là một vận động viên. Câu chuyện adidas mới đây quyết định mở một line thời trang adidas + Kanye West vốn khiến không ít người hoài nghi. Bởi lẽ ngay từ sau Yeezy Season 1, hẳn adidas đã nhận ra tài năng của Kanye West vốn chỉ kiếm ra bộn tiền trong dòng hàng footwear, các mẫu thiết kế quần áo của Kanye đến giờ vẫn có thể được tìm thấy trên các trang điện tử với mức giá giảm hẳn. Và sau những thiết kế với phom dáng và tone màu không mấy khác biệt so với mùa trước, cộng thêm những qua lại về nguồn gốc của sản phẩm, người ta có lẽ chỉ trông chờ vào fans của Kanye West là người tiêu thụ chính cho các sản phẩm của chàng rapper. Và liệu có chăng thiết kế cũng chỉ là một sân chơi nhất thời cho những cá nhân ngoại đạo muốn phát triển tên tuổi của mình xuôi theo làn sóng mainstream nhất thời? Có lẽ phải đợi một thời gian nữa để chứng tỏ điều này.