Nếu ai đó hỏi tôi về Hàn Quốc, tôi sẽ định nghĩa xứ Kim Chi xinh đẹp và dễ mến này bằng những danh từ, hi vọng, hòa bình, bình yên và giá trị truyền thống.
Hi vọng Nhưng đừng vì thế mà vội quy Seoul sầu thảm. Bên cạnh những hoạt động tưởng nhớ kia, Seoul vẫn cứ khiến bất cứ ai đến, ở lại rồi chia tay nhận thấy rằng, nó là một thành phố hiện đại, sầm uất nhưng dễ gần, năng động, cầu thị nhưng cũng đầy tính kỉ luật. Thành phố xinh đẹp này cũng khéo biết chiều lòng người. Nếu bạn là người của công việc, Seoul sẽ cuốn bạn theo với những thương vụ làm ăn, những tòa building chọc trời cùng những con người chuyên nghiệp và hiện đại. Nếu bạn là một quý cô của shopping, những trung tâm thương mại như Dongdaemun hay những khu phố mua sắm hạng sang ở Keangnam sẽ rút ví bạn “ngọt” đến mức cuối ngày, rất có thể, bạn sẽ phải hối tiếc vì đã chẳng thể giữ nổi chiếc thẻ nhựa nằm yên trong ví quá 30 phút.
Còn nếu bạn là một khách du lịch như tôi, Seoul sẽ chinh phục bạn, sẽ khiến bạn phải nhớ đến nó với một ngàn lẻ một thứ thú vị, mới mẻ và rất hay ho. Đơn giản nhất, bạn sẽ chẳng phải bận tâm vì trộm cắp dù đang hòa vào dòng người tấp nập trên phố hay bất cứ nơi nào ở Seoul bởi một điều, Seoul được xếp vào diện an toàn bậc nhất châu Á. Bạn cũng chẳng phải đỏ mắt tìm nhà vệ sinh đủ sạch bởi nhà vệ sinh ở Hàn Quốc được đánh giá là sạch và đẹp nhất thế giới. Điều duy nhất bạn cần phải chuẩn bị cho mình khi đến Seoul là sự dẻo dai bởi nếu không, bạn sẽ chẳng đủ sức để đi và khám phá thành phố đáng yêu này.
Bạn sẽ thấy một Seoul cổ kính trong quần thể kiến trúc Changdeok-gung và ngạc nhiên với khả năng bảo tồn cực tốt của người Hàn Quốc. Bởi hàng thế kỉ trôi qua với bao biến động, công trình được xây dựng từ những năm1410 và được tái thiết vào năm 1610 đã được bảo tồn khá nguyên vẹn, vẫn cổ kính, bề thế và tráng lệ giữa một Seoul ồn ào, sôi động. Đến Seoul, bạn cũng sẽ có những khoảnh khắc thư thái đúng nghĩa khi dạo bộ dọc con suối Cheonggyecheon. Bất kể khi nào, lúc bình minh, khi chiều tà hay khi đêm khuya, Cheonggyecheon luôn biết cách dẫn dắt bạn tìm đến những giây phút bình yên, tĩnh tại với tiếng suối róc rách, tiếng gió vi vu và những chương trình nghệ thuật thú vị. Đến Seoul, bạn nhất thiết phải dạo chơi bên sông Hàn để thấy nó đẹp và lãng mạn hệt những thước phim Hàn Quốc mà bạn đã xem trước đó. Và, hãy dừng chân ở tháp Namsan khi chiều buông như chúng tôi để chiêm ngưỡng một Seoul đẹp lộng lẫy từ độ cao 237m lúc hoàng hôn và tận hưởng không khí lãng mạn và ngập tràn tình yêu…
Hòa bình
Sẽ là một thiếu sót nếu đến Hàn Quốc mà không đến DMZ (Korean Demilitarized Zone). vùng đất được mệnh danh là bí ẩn và được kiểm soát cẩn trọng bậc nhất thế giới này. Từ Seoul, chúng tôi băng qua con đường cao tốc chạy dọc con sông Imjingang với những hàng rào thép gai cao quá đầu người và những vọng gác dày đặc luôn được canh giữ bất kể đêm ngày. Nghiêm ngặt sẽ là cảm nhận chung của những ai đặt chân đến chốn này. Chúng tôi được thông báo những nơi được phép chụp hình và những điểm không được phép nếu không muốn toàn bộ file ảnh bị xóa trong tích tắc. Phải nói rằng, DMZ rất đáng để đi, để biết và để hiểu về đất nước, lịch sử và con người Hàn Quốc. Không chỉ bởi, bạn sẽ được đặt chân đến điểm tận cùng của đất nước này. Mà trên tất cả, bạn sẽ được chạm tay vào vùng đất được kiểm soát cẩn trọng nhất thế giới. Bạn sẽ thấy ở đây, mọi thứ đều thể hiện ước nguyện hòa bình. Từ cây cầu xưa kia là nơi trao đổi tù nhân được đặt tên là Cầu Tự Do từ tiếng reo vui của các tù nhân “Tự do”. Từ tấm rào chắn bằng sắt để đánh dấu phần tận cùng của lãnh thổ Hàn Quốc và cũng để khách du lịch không vượt sang vùng đất hoang sơ phía bên kia hàng rào là lãnh thổ phân cách với CHDCND Triều Tiên, nơi chưa thường dân nào được phép đặt chân đến trong nửa thế kỉ qua. Hay một đầu tàu với đầy những dấu tích của bom đạn. Hoặc những hàng rào với những dải băng lụa ghi những thông điệp về hòa bình tung bay trong gió. Đường hầm số ba do quân đội Triều Tiên đào xuyên biên giới Nam-Bắc trong cuộc chiến tranh Triều Tiên những năm 1950. Một Bàn Môn Điếm xưa kia từng là địa điểm kí kết hiệp định hòa bình. Cho đến đài quan sát Doza nơi gần nhất có thể nhìn sang đất nước Bắc Triều Tiên… Và trên tất cả, ở nơi đây đang hình thành một hệ động thực vật ngày một phát triển, sinh sôi như một ước nguyện về hòa bình cho hiện tại và cả tương lai.
Bình yên
Ngắm Hanok vào những buổi sớm mai từ đỉnh núi cao, qua những tán lá xanh mướt mắt là một trải nghiệm đặc biệt để bao quát cả “thành phố ốc sên” này trong tầm mắt. Khi đó, Hanok đẹp tựa bức tranh với sơn thủy hữu tình. Những dòng nước chảy róc rách bao quanh thành phố. Những tán cây xanh rợp mắt. Những con đường lát gạch đá uốn lượn. Những ngôi nhà với mái cong cong màu tro xám đặc trưng của người Hàn Quốc nằm san sát nhau. Những chiếc cong vại muối kim chi xếp thẳng hàng bên hiên nhà… Ở đây, khoảng 700 ngôi nhà đã được quy hoạch một cách cầu kì và tỉ mẩn để từng chi tiết dù là nhỏ nhất cũng toát lên vẻ đẹp cổ xưa của đất nước Hàn Quốc.
Trong khi đó, đi bộ trên những con phố lát gạch đá lại là cách để bạn chạm tay vào “thành phố ốc sên” này một cách thực tế nhất. Dám khẳng định một điều, khi đó, bạn cũng sẽ như tôi, từ ngơ ngác đến tranh thủ tận hưởng quang cảnh rất đỗi nên thơ và cả sự thong dong hiếm có ở chốn này. Ở đây, mọi thứ dường như đều chậm lại. Những biển hiệu về sống chậm hiện hữu ở khắp mọi nơi. Chẳng xe cộ, chỉ có những người khách bộ hành như tôi đang thong dong ngắm phố. Quán sá cũng vậy, khéo ẩn mình dưới những tán cây xanh ngút ngàn và nhường chỗ cho những đóa hoa khoe sắc…
Truyền thống
Suwon suýt chút nữa đã trở thành kinh đô của đất nước Triều Tiên cũ vào thế kỷ thứ 18 khi vua Jeong Jo có ý định dời kinh thành về đây nhằm thúc đẩy nền kinh tế của các vùng lân cận Seoul lúc bấy giờ và đặc biệt là để tưởng nhớ tới cha của mình là Thái tử Sado. Tôi được nghe kể lại rằng, vào thế kỉ 18, vua Yeong Jo, vương triều Joseon nghi ngờ hoàng tử Sado mưu phản nên đã đem xử tử. Khi đó, vợ và con trai hoàng tử Sado trốn thoát được. Khi vua Yeong Jo qua đơi và không có người thừa kế ngai vàng, con trai hoàng tử Sado là Jeong Jo được đưa lên ngôi vua. Vị vua này đã quyết định xây dựng bức tường thành Hwaseong bao quanh Suwol để bảo vệ phần mộ của cha mình.
Điều khiến nhiều du khách ngạc nhiên ở chỗ, dù được xây dựng từ thế kỉ XVIII nhưng bức tường này đã được UNESCO ghi nhận là di sản văn hóa thế giới đã được trùng tu và bảo tồn khá nguyên vẹn. Sự bề thế và quy mô là điều mà nhiều du khách đã tấm tắc khi dừng chân ở đây. Thăm toàn bộ Hwaseong là điều gần như không thể bởi bức tường thành này dài tới 5.74km với diện tích 1.3km vuông và bao bọc cả Suwon với bốn cổng ở bốn hướng Đông, Tây, Nam Bắc. Nhưng chiêm ngưỡng Hwaseong ở hai cổng lớn phía Bắc và phía Nam cũng đủ để thấy nó kì vĩ thế nào và người xưa đã kì công ra sao để tạo dựng nó. Đến Suwon, nếu có thời gian, bạn hãy dừng chân thăm cung điện Haenggung được xây dựng năm 1789 ở phía đông chân đồi Paldalsan trong tường thành Hwaseong, nơi vua Jeong Jo dừng chân khi đến Suwon viếng mộ cha mình.
|
Theo Vietnam Traveller |