sanhdieu.com.vn

Hong Kong: ăn cua cay dưới gầm cầu

Nếm thử một miếng cua sốt cay, mặn gắt và đắt tới “buốt ruột” mà không lý giải nổi vì sao lúc nào quán cũng hết chỗ, tôi mới nhận ra rằng, dim sum chỉ là một phần rất nhỏ, rất nhỏ trong văn hóa ẩm thực của người Hong Kong.

Nhắc tới Hong Kong là nhắc tới dim sum, chúng gắn với nhau như tình nhân không rời. Tới bất cứ ngóc ngách nào ở Hong Kong, bạn cũng có thể kiếm được những quán dim sum theo đúng hương vị Trung Hoa truyền thống. Dăm ba cái bánh bao con con nhân xá xíu, tỏa hương khói nghi ngút, mấy cái chân gà hấp tàu xì nâu sậm, đựng trong chiếc thố tre hay miếng há cảo nhân tôm tươi nóng bỏng lưỡi, ăn tới đâu trôi tới đó. Thứ nào cũng nhỏ xinh, in ít, vừa đủ để thực khách ăn cho biết chứ chưa kịp no nê, đã đời.

Thế nhưng, khi đã thử qua đủ các mùi vị trong thực đơn dim sum dài dằng dặc, tôi bắt đầu tò mò về phần còn lại trong ẩm thực xứ này. Trước khi tới Hong Kong, một chị bạn từng rỉ tai rằng, dân du lịch hay ghé qua một nhà hàng, dịch nôm na là “Cua cay gầm cầu” (Spicy Crab Under Bridge), giá cả thì trên trời nhưng chất lượng thì quả thật là rất đáng tiền. Ngay cả CNN Travel cũng đã làm một cuộc “điều tra” tới tận căn bếp của ông chủ Wong Ching Tuen, để “mục sở thị” từng công đoạn làm ra món cua cay được đánh giá là “Đồ hải sản ngon nhất ở Hong Kong”.

Spicy Crab Under Bridge có ba chi nhánh trên toàn đặc khu Hong Kong và chúng khá gần nhau. Cửa hàng đầu tiên được mở cách đây hơn 20 năm, tại khu Causeway Bay tấp nập, nhộn nhịp trên bến dưới thuyền. Khu vực này từng nổi tiếng với dãy lán bè buôn bán đồ hải sản, đầu bếp lúc nào cũng tay dao tay thớt thoăn thoắt. Cái tên “Cua cay gầm cầu” cũng từ đó mà hình thành. Sau này, do chính sách kiểm soát chặt thức ăn đường phố của chính quyền đặc khu, quán mới chuyển lên “đóng đô” trên bờ.

CHI_5372

Tôi chọn ghé cơ sở chính của Spicy Crab Under Bridge trên đường Lockhart, gần Times Square cho tiện đường đi mua sắm. Nhà hàng có quy mô vừa phải, không lớn không nhỏ, trang trí đậm chất Trung Hoa truyền thống. Ngay từ cửa vào, bạn được tiếp đón bằng thảm đỏ, các bàn khách bên trong thì ngăn bằng bình phong gỗ, chạm trổ cầu kỳ, thi thoảng lại vang lên những tình khúc nhạc Hoa cổ điển dặt dìu, cảm giác như đang ở Hương Cảng trong những năm tháng chưa được trao trả về Đại lục.

Thực đơn có tới hơn 100 món, món nào cũng “đắt cắt cổ”, nếu so sánh với một bữa dim sum bình dân. Tuy nhiên đã tới đây mà không gọi một suất cua cay thì quả quá phí phạm, vậy nên tôi đã đánh bạo gọi một suất, với giá hơn một triệu đồng. Không phải chờ đợi quá lâu bởi dường như đây là món ăn không-thể-không-gọi của bất cứ thực khách nào.

Khác với cua sốt ớt Singapore nấu bằng thứ sốt sệt, cua ở Spicy Crab Under Bridge được chế biến khô, vị mặn rõ rệt, thơm nức mũi mùi tỏi, hành phi. Có lẽ do tự tin với tay nghề đầu bếp mà ông chủ họ Wong từng nhiều lần lên báo chia sẻ công thức món ăn này, duy chỉ giữ lại công thức bí truyền của loại tương ớt đặc trưng mà thôi.

Sau khi sơ chế, cua được chiên từng phần cho tới khi chín tới, sở dĩ phải cầu kỳ như vậy vì thời gian chín của từng phần lại khác nhau. Sau đó, tỏi, tương ớt cùng một số gia vị được đổ vào chảo, đun nhỏ lửa cho tới khi dậy mùi thơm, ngả vàng rồi cho cua vào. Đơn giản vậy thôi nhưng chẳng nhà hàng nào có thể copy được một cách hoàn hảo.

CHI_5358

Nhà hàng còn phục vụ nhiều món ăn khác, hương vị cũng khá hấp dẫn, duy chỉ có màn tính tiền là không hấp dẫn cho lắm. Hai người ăn ba món, cộng với đồ uống, có tổng thiệt hại hơn 2 triệu đồng, nhưng chúng tôi không có gì tiếc nuối, ân hận cả.  Khi đã ăn xong no nê, một người phục vụ bàn tầm 50 tuổi ghé lại bàn và hỏi cảm nhận của thực khách. Ông nói tiếng Anh bằng giọng Quảng Đông hào sảng, ngồ ngộ, vốn từ không nhiều nhưng rất lưu loát. Khi biết khách từ Việt Nam sang, ông rất hồ hởi giới thiệu rằng, con cua xuất hiện trên bàn ăn khi nãy là “đồng hương” với chúng tôi. Cua sử dụng trong các nhà hàng thuộc hệ thống “Cua cay gầm cầu” đa phần có xuất xứ từ Việt Nam, một phần từ Australia.

Nếu ăn quen đồ Hoa, tức là mặn và nhiều dầu mỡ thì bạn sẽ cảm thấy món ăn này thực sự là tuyệt đỉnh ẩm thực và lời đồn quả là không quá khoa trương, cũng giống như cảm giác của tôi vậy. Còn nếu không, chân thành khuyên bạn nên cân nhắc cho kỹ, bởi sôd tiền bỏ ra không hề nhỏ. Bằng chứng là một nhóm bạn đi theo sự chỉ dẫn của tôi ngay sau đó đã không tiếc lời “trách cứ”. Biết sao được, mỗi người một khẩu vị mà. Du lịch là phải có “đau thương” mới đáng nhớ chứ.

Chia tay ra về, người bồi bàn lớn tuổi còn hẹn chúng tôi lần sau quay lại xứ này thì nhớ ghé qua quán, biết đâu có thể gặp được ông chủ Wong đáng mến và nghe ông kể về Hong Kong những năm tháng xa xưa, khi mà món cua cay huyền thoại còn được bán ở những lán bè nơi gầm cầu.

Bài và ảnh: Nguyên Chi

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on linkedin
LinkedIn

Bài viết liên quan

Zalo
0908.335.898